Kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2016 ước tính tăng 5,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012, 2013 và 2014.
Tuy nhiên, mức tăng này lại thấp hơn mức tăng 6,12% của năm 2015. Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, điều này cho thấy nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Khu vực công nghiệp và xây dựng giá trị tăng thêm 6,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,74% của năm 2015.
Trong đó, ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% thua xa mức tăng 9,7% của năm 2015 do hai lĩnh vực chủ lực của ngành này là công nghiệp chế biến và khai khoáng có mức giảm khá mạnh.
Ngành khai khoáng giảm mạnh chỉ đạt 98,8%, tương đương giai đoạn khó khăn của năm 2014 do sản lượng khai thác dầu thô chỉ đạt 96,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9%, thua xa mức tăng 9,7% của Quý I năm 2015. Riêng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đạt tăng trưởng tốt và tăng cao tương ứng 13,1% và 9,4%.
Xi măng, sắt thép, khí hóa lỏng, thức ăn gia súc…đều có mức tăng trưởng sản lượng khá tốt như xi măng tăng 11%, sắt, thép thô tăng 13,7%. Một số ngành sản lượng giảm gồm thuốc lá điếu (giảm 5,3%), dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo (giảm 6,3%). Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ điện thoại di động giảm 17,6%.
Ngành xây dựng trong 3 tháng đầu năm đạt được tín hiệu khả quan với tăng trưởng ấn tượng, mức tăng đạt 9,94%, cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức tăng cao nhất với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 23%, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 11%
Tổng cục Thống kê cho biết, trong Quý I, hầu hết các công trình xây dựng đạt tăng trưởng tốt, giá trị sản xuất hoạt động xây dựng đạt tăng trưởng cao nhất trên 12%.
Kết quả hoạt động xây dựng đạt khá do vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I tăng trưởng cao, đạt 10,7% và khá đồng đều ở cả ba khu vực: Nhà nước, ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng đạt 3,43% (năm 2015 đạt 2,55%) và có tín hiệu khả quan, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên, tỷ lệ giao dịch thành công tăng cao
Khu vực dịch vụ tăng 6,13%, là mức tăng cao nhất kể từ quý I/2012 trở lại đây, đóng góp 2,48 điểm phần trăm.
Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.
Trong đó, khu nông lâm nghiệp và thủy sản giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Ngành nông nghiệp tăng trưởng âm (-2,6%) trong khi quy mô ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực I (chiếm 70%).
Lý giải điều này, Tổng cục thống kê cho biết, sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long giảm 6,2% (khoảng 700 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước và sản lượng cây trồng vụ đông miền Bắc đạt thấp.
Ngành lâm nghiệp có mức tăng trưởng 6,24% và ngành thủy sản tăng trưởng 2,12% cũng không đủ kéo toàn ngành nông lâm thủy sản tăng trưởng.
Theo tổng cục Thống kê, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiệm tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 5,9%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tính trong GDP tăng khá cao đạt 9,28%, nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tăng 10,62%.
Xét xét theo phương pháp sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng của quý I/2016 tăng 6,87% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,63 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 8,3%, đóng góp 1,63 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu làm giảm 1,56 điểm phần trăm tăng trưởng chung.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 3 này tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới vào Việt Nam ước đạt hơn 1,22 tỷ USD, tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm lên hơn 4 USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/3 rồi, cả nước có 473 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,74 USD, tăng 125,2% so với cùng kỳ năm 2015; và có 203 lượt dự án FDI đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,285 USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I/2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,5 USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả trên được cho là một khởi đầu thuận lợi, dự báo cho một năm thành công tiếp theo của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI lớn và chất lượng hơn. Giới phân tích đánh giá việc cả vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.