Kinh tế Việt Nam và chặng đường dài phía trước
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2007 vẫn còn kéo dài đến những tháng cuối năm 2008 và sang tận Quý I năm 2009. Quí IV năm 2008, ở Mỹ, GDP giảm 6%. Quí I năm 2009, GDP ở Nhật giảm 12%, ở Đài Loan giảm 8,4%, ở TQ chỉ tăng 6.8% so với 13% năm 2008. Ngân hàng Thế giới dự báo là năm 2009 sản xuất công nghiệp toàn cầu sẽ giảm 15%, và lần đầu tiên trong 80 năm xuất nhập khẩu sẽ giảm. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo rất xấu tương tự.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam chỉ tăng 3,1% vào 3 tháng đầu năm, mức thấp nhất kể từ năm 2000, bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,5%; khu vực dịch vụ tăng 5,4%. Trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,1 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 0,7 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,3 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I vẫn có thể được xem là khả quan hơn và môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn này vẫn được đánh giá có sức thu hút hơn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế cầm chừng
Công nghiệp khai thác giảm thể hiện nhu cầu tiêu thụ trong nước
và ngoài nước giảm đã làm giảm sản lượng khai thác. Ảnh: vinhcity.
Trong 4 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 209 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt thấp, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,1%, chỉ bằng 20,2% mục tiêu kế hoạch, trong đó công nghiệp chế biến chỉ tăng 1,8%, điều này cho thấy chi phí trung gian trong sản xuất còn lớn, công nghiệp chế biến, chế tác còn yếu, tỷ trọng gia công còn cao; công nghiệp khai thác giảm thể hiện nhu cầu tiêu thụ trong nước và ngoài nước giảm đã làm giảm sản lượng khai thác.
Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2% trong khi khu vực kinh tế tư nhân tăng 5%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,9% so với cùng kỳ đã phần nào thể hiện năng lực quản lý và cạnh tranh, tính linh hoạt của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn yếu, phản ứng chậm trước các yếu tố từ bên ngoài tác động.
Sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm trước một phần do sản lượng giảm mạnh trong ngành công nghiệp khi xuất khẩu chịu ảnh hưởng đáng kể do nhu cầu từ bên ngoài giảm, mặt khác do tăng trưởng trong khối ngành dịch vụ cũng giảm tương đối với lượng khách du lịch đến Việt Nam ít đi và tăng trưởng chậm chạp trong khối ngành tài chính.
Tuy nhiên có một thực tế khá “lạc quan” là sự quay lại đà tăng trưởng mạnh của khối ngành xây dựng với mức tăng trưởng 7% so với cùng kì năm ngoài, một trong nhiều nguyên nhân chính ở đây là sự tiếp tục trở lại của các dự án đã bị ngừng trệ trong suốt ngày thời kì lạm phát tăng đột biến năm trước. Dự báo trong năm 2009, sẽ còn nhiều dự án như vậy hơn nữa bên cạnh các nỗ lực của chính phủ trong việc xúc tiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cán cân thương mại – Từ thâm hụt đến thặng dư
Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch trong 4 tháng ước đạt 18,64 tỷ USD, bằng 26,31% mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2009, trong đó kim ngạch của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,4 tỷ USD chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giảm 20,7% so với cùng kỳ; doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 10,24 tỷ USD chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, kim ngạch nhập khẩu tính chung 4 tháng ước đạt 17,83 tỷ USD, giảm 41% so với cùng kỳ, một mức giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm trong kim ngạch xuất khẩu, trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,33 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 36% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 64,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 43,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm cả về khối lượng và trị giá so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhu cầu giảm, giá nhập khẩu giảm, thậm chí một số mặt hàng giảm đến hơn 50% như dầu mỡ động thực vật, thép các loại, ôtô nguyên chiếc, xăng dầu...
Như vậy, tính chung quý I/2009, xuất siêu khoảng 1,647 triệu USD. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên xuất siêu là xuất khẩu đột biến của gần 2,3 tỷ USD vàng, nếu trừ đi yếu tố này, quý I/2009, Việt Nam vẫn nhập siêu khoảng 640 triệu USD. Như vậy, kết quả xuất siêu trong quý I chưa phải là tín hiệu tốt và phản ánh thực chất tình hình, nếu tình trạng nhập khẩu giảm sút còn kéo dài thì mức sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Tháng 4, cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái nhập siêu sau 3 tháng liên tiếp xuất siêu, ước khoảng 700 triệu USD. Tính chung 4 tháng vẫn xuất siêu khoảng 801 triệu USD do yếu tố xuất khẩu đột biến của vàng trong 2 tháng (2 và 3). Nếu loại trừ yếu tố này, 4 tháng nhập siêu khoảng 1,74 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2009 đã phản ảnh những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy có thặng dư thương mại, nhưng trên thực tế chủ yếu do yếu tố xuất khẩu đột biến vàng. Đáng lo ngại là nhập khẩu hàng hoá là nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu giảm thấp đã phản ánh tình trạng ngưng trệ của sản xuất nói chung và gia công hàng xuất khẩu nói riêng.
Xuất khẩu trong những tháng tới còn nhiều khó khăn. Ảnh: Vietnamnet.
Dự báo xuất khẩu trong những tháng tới còn nhiều khó khăn, một số mặt hàng nông sản đã sắp hết vụ thu hoạch nên lượng xuất khẩu nhóm hàng này sẽ giảm. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến khó có khả năng tăng vì nhu cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu tăng. Xuất khẩu nhóm khoáng sản hạn chế về lượng trong khi giá có xu hướng giảm.
Sự phục hồi của toàn nền kinh tế: Những khó khăn và thách thức phía trước
Mới đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý II sẽ trong khoảng 3,5% – 3,8%, cao hơn quý I từ 0,4-0,7 điểm phần trăm và cả năm 2009 sẽ trong khoảng 4,5% – 5,0%.
Nếu xét trong ngắn hạn, cụ thể là trong Quý II và Quý III/2009, triển vọng phục hồi của toàn nền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn lạc quan và có thể xảy ra do một số dấu hiệu tích cực sau mang lại:
Thứ nhất, một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 3 giảm, nhưng đến tháng 4 đã duy trì sản lượng và tăng trưởng trở lại như than sạch, thủy sản chế biến, hàng dệt may, vật liệu xây dựng.
Thứ hai, nếu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2009 giảm 5 điểm phần trăm so với tháng 2/2009 thì đến tháng tư chỉ còn giảm 0,28 điểm phần trăm so với tháng 3. Đây là một trong các dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp trong quý II có khả năng chặn được đà suy giảm và có thể phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2009.
Thứ ba, tình hình xuất khẩu trong tháng 2 và 3 cũng được đánh giá là tốt hơn khá nhiều so với tháng 1. Mặc dù xuất khẩu tăng kém so với mức kế hoạch năm 13%, nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam có thể được xem là điểm sáng về xuất khẩu của khu vực nếu so sánh với nhiều nền kinh tế có tiềm lực lớn về xuất khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...; nhất là khi vào tháng 4, xuất khẩu tiếp tục có những dấu hiệu khả quan hơn mà không phải do tái xuất khẩu vàng như các tháng trước.
Những tín hiệu này sẽ góp phần kích thích sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá trong nước, đặc biệt là khi gói kích cầu thứ 2 hướng hỗ trợ lãi suất vào trung và dài hạn và gói kích cầu thứ ba (hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn) được thực hiện và phát huy tác dụng.
Dự báo một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2009
Chỉ tiêu |
Quý II |
Cả năm |
Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp |
3,8%-4,1% |
4,6%-5,1% |
Tốc độ tăng của sản xuất nông nghiệp |
2,1%-2,5% |
3,4-3,7% |
Tốc độ tăng của dịch vụ |
4,0% - 4,2% |
4,9% - 5,5% |
Nguồn: Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng 5% trong năm nay cũng rất khó khăn bởi vì triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế thế giới và vào chính nội lực của toàn nền kinh tế. Nội lực của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng đáng kể do tác động của lạm phát và suy thoái trong nửa cuối năm 2007 và cả năm 2008, kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ phục hồi chậm hơn do chưa chạm đáy, như vậy, nếu trong trường hợp kinh tế thế giới sáng sủa hơn, xuất khẩu dễ dàng hơn thì có thể mức tăng trưởng 5% là đạt được, tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế thế giới vẫn u ám thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Theo lý thuyết kinh tế, sự phục hồi của một nền kinh tế sau khủng hoảng sẽ thường diễn ra theo ba mô hình, mô hình chữ L, mô hình chữ V và mô hình chữ W. Mô hình chữ L, nằm mãi dưới đáy không thoát ra khỏi khủng hoảng được, là mô hình nên tránh và trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, nền kinh tế hoàn toàn có thể tránh khỏi được mô hình tiêu cực này bởi Việt Nam có một nền nông nghiệp khá hiệu quả và các sản phẩm này có thị trường khắp thế giới và phù hợp với điều kiện suy thoái kinh tế.
Nếu trong dài hạn, với những cải cách mạnh mẽ và đổi mới cấu trúc của nền kinh tế thì khả năng tăng trưởng theo mô hình chữ V là hoàn toàn có thể. Điều quan trọng nhất là sau khi thoát khỏi khủng hoảng, cần phải khắc phục sớm những điểm yếu cơ cấu bên trong hầu như vẫn đang còn nguyên, các vấn đề về cấu trúc lại nền kinh tế, hiệu quả đầu tư, thị trường, cấu trúc thị trường và cơ cấu doanh nghiệp.