Lãi vay ngân hàng lập đỉnh cao mới
Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tuần 5-11/3, lãi suất huy động tiền đồng và đôla Mỹ giữ ổn định dưới mức trần quy định. Trong đó, lãi suất huy động tiền đồng phổ biến 10-10,49% một năm cho phần lớn các kỳ hạn. Các ngân hàng đồng loạt áp lãi suất huy động đôla cho doanh nghiệp ở mức 1%, với khách hàng cá nhân là 3-4,5% một năm tùy theo kỳ hạn.
Lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng được niêm yết ở mức trần theo quy định, 12% một năm. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay trung, dài hạn theo cơ chế thỏa thuận khoảng đã lên đến 14-15% ở các ngân hàng thương mại nhà nước và 15-17% đối với nhóm cổ phần, cá biệt có một số ngân hàng quy mô nhỏ cho vay với lãi suất khá cao khoảng 18-20% một năm.
Trong mặt bằng giá cả hiện nay, lãi suất vay vốn ở mức 17-18% được cho là vượt quá khả năng chấp nhận của nhiều doanh nghiệp. Các chuyên gia tính toán, doanh nghiệp phải có tỷ suất lợi nhuận khoảng 25% mới bù đắp được chi phí vốn cao như vậy.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm (chuyên sản xuất, chế biến nông sản) cho biết, thời điểm này giá cả đang có dấu hiệu tăng hơn cùng kỳ các năm, trong khi hiện nay kinh doanh nông sản không phải chính vụ nên lượng hàng trong dân ít và bình quân giá nguyên liệu nông sản đầu vào hiện cũng tăng 7-8%. Hiện Minh Tâm vẫn vay được giá vốn hợp lý.
"Nếu vay với lãi suất 17% như nhiều doanh nghiệp nói thì chúng tôi không vay và tìm nguồn khác. Thậm chí phải tính tới chuyện giảm quy mô phát triển, giảm lượng vay để thu hẹp sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh"- ông Hưởng nói với báo chí.
Vì lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều doanh nghiệp đã tự thân vận động bằng cách huy động vốn của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp ở Khánh Hòa) cho biết hiện rất cần vốn để đẩy mạnh sản xuất. Năm nay, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, nhưng vốn vay tăng, giá điện, nước đều tăng làm cho giá thành của doanh nghiệp tăng cao.
"Chúng tôi ký hợp đồng từ năm ngoái nên không thể tăng theo giá mới được. Với lãi suất cho vay cao như hiện nay, biết là sai quy định, nhưng buộc doanh nghiệp phải tự huy động vốn trong cán bộ, công nhân viên của mình để vừa không làm đội giá thành, vừa có vốn ổn định sản xuất", chủ doanh nghiệp này cho biết.
Theo giải thích của các doanh nghiệp, việc tự huy động vốn trong nội bộ "lợi cả đôi bên". Cán bộ công nhân viên của họ có thêm tiền lời, doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp so với vay vốn ngân hàng, lại không phải thế chấp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp huy động vốn nội bộ với lãi suất 12-13% một năm, cao hơn lại suất huy động của các ngân hàng.
Thực tế các ngân hàng hiện rất khó huy động vốn trung dài hạn khi vẫn bị khống chế bởi mức lãi suất trần huy động không quá 10,5%. Cơ chế thỏa thuận cũng chỉ áp dụng với các khoản vay trung dài hạn, chưa áp dụng với vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh. Ngân hàng bị khống chế không dùng quá 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Vì vậy thị trường ngân hàng vẫn chưa thể thông suốt.
Một số ngân hàng cổ phần đã đánh tiếng đề nghị Ngân hàng Nhà nước dỡ trần lãi suất huy động và mở rộng cơ chế thỏa thuận với cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định cuối cùng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng - nơi các ngân hàng vay mượn vốn lẫn nhau đạt xấp xỉ 84.645 tỷ đồng và 1,5 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 16.929 tỷ VND và 305 triệu USD mỗi ngày. So với tuần trước, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng kỳ sụt giảm cả bằng VND và USD. Trong đó doanh số giao dịch bằng VND giảm 944 tỷ, doanh số giao dịch bằng USD giảm 37 triệu.
Lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục có xu hướng giảm so với tuần trước đối với hầu hết các kỳ hạn, với mức giảm từ 0,25% đến 1,41%/năm.