"Lọc dầu Dung Quất thua lỗ là điều khó hiểu"

Đó là ý kiến của bà Masami Kojima, đại diện Ngân hàng thế giới tại Hội thảo đánh giá trợ cấp năng lượng Việt Nam, ngày 13-9.
 
Báo cáo của Ngân hàng thế giới về Trợ cấp năng lượng ở Việt Nam nhằm mục tiêu Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam có hiểu biết tốt hơn về trợ cấp năng lượng và tác động của giảm dần trợ cấp năng lượng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng.
 
Diễn biến khó hiểu ở lọc dầu Bình Sơn
 
Theo bà Masami Kojima tác động kinh tế của các khoản trợ cấp không phải lúc nào cũng tiêu cực. Một số trợ cấp phổ biến, ngay cả ở các nước có thị trường năng lượng lớn mạnh. Ví dụ như trợ cấp chéo cho người sử dụng điện vùng nông thôn bởi cư dân đô thị và hỗ trợ sưởi ấm cho người nghèo ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trợ cấp cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng sớm các nguồn năng lượng mới như mặt trời, gió, sinh học.
 
Tuy nhiên “Câu hỏi về chính sách đặt ra đối với Chính phủ là liệu các lợi ích thu được có vượt xa chi phí không và thách thức đối với chính sách là làm thế nào để đảm bảo các khoản trợ cấp này không gây méo mó thị trường về lâu dài”, bà nói.
 
Theo bà Masami Kojima, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2009 và sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước và chuyển sang hoạt động thương mại từ tháng 5/2010.
 
Nhìn vào quy mô thì nhà máy có đủ quy mô cạnh tranh, hiệu quả trong sản xuất. Bình Sơn dùng dầu thô ngay trong nước thì sản xuất, phân phối đáng lẽ ra phải thấp hơn các nơi khác. Nếu so sánh lọc dầu của Singapore, Hàn Quốc…phải nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu các chế phẩm lọc dầu cho Việt Nam như vậy họ phải trả hai lần cho chi phí vận chuyển (nhập khẩu thô và xuất khẩu sản phẩm tinh chế).
 
Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu Bình Sơn còn được hưởng 2 ưu đãi thuế là thu nhập doanh nghiệp và giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi. Cụ thể thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm: 0% cho 4 năm đầu tiên, 5% cho 9 năm tiếp theo, 10% thay vì 20% cho 17 năm sau đó. Mức trợ cấp thuế này là sự hỗ trợ đáng kể đối với nhà máy. Tuy nhiên dù nhận được mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lớn và có những lợi thế về chi phí, nhà máy vẫn gặp nhiều khó khăn để đạt được mức khả thi tài chính.
 
Thứ hai là có thể giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi: 10% với sản phẩm dầu mỏ, 7% đối với các sản phẩm khác, 5% đối với LPG và 3% đối với hóa dầu.
 
Nếu nhà máy không được phép giữ lại các khoản tương đương với mức giá ưu đãi đó, báo cáo tổng số lũy kế của nhà máy hóa dầu Bình Sơn có thể lên tới 27,6 nghìn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ năm 2010- 2014. Nhưng khoản trợ cấp liên quan đến mức giá ưu đãi đã giúp giảm số lũy kế trong khoảng thời gian này xuống còn 1 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD). Khoản chênh lệch là phần doanh thu thuế mà Chính phủ đã mất đi.
 
"Diễn biến ở lọc dầu Bình Sơn hơi khó hiểu", bà Masami Kojima nói.
 
Theo bà Masami Kojima cần phải phân tích hiệu quả tài chính của nhà máy lọc dầu Bình sơn vì sao thấp như vậy mặc dù được hưởng rất nhiều ưu đãi.
 
Nói về nhà máy lọc dầu Bình Sơn, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết: “Nhà máy Bình Sơn có nhiều ưu đãi và lợi thế về vận chuyển nhưng nếu nghiên cứu sâu lọc dầu Bình Sơn vẫn có khó khăn vì giá vận chuyển không phải giá họ tự quyết được. Bên cạnh đó, về công nghệ khi thiết kế thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tiêu thụ dầu thô ngọt từ mỏ Bạch Hổ. Do đó, khi bán ra thị trường giá rất cao bởi nhưng khi giá dầu xuống, họ buộc phải mua giá dầu ngọt của Bạch Hổ có mức chênh nhiều với giá dầu chua”.
 
“Nhìn chung, thị trường Việt Nam rất phức tạp, các chính sách trợ cấp cần phải đặt trong tổng thể lớn dựa trên các tiêu chí về kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển về môi trường….”, đại diện PVN nói.


Ngành điện là ngành có giá cả bị bóp méo lớn nhất
 
Ngoài ra, Bà Kosima, đánh giá về trợ cấp năng lượng Việt Nam ở các dạng năng lượng như điện, than, khí gas…
 
Ngoài những trợ cấp như trợ cấp đầu vào, cho vay tín dụng, miễn thuế thì các doanh nghiệp đặc quyền nhà nước như Bình Sơn, EVN, Vinacomin được dễ dàng hơn trong việc tiếp cận Ngân hàng nhà nước. EVN hoạt động không có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (trợ giá cho người tiêu dùng), được Chính phủ bảo lãnh ngầm các khoản vay, du di thanh toán chậm. Nguyên nhân cơ bản do giá điện được định giá thấp; Vinacomin được phép chậm nộp thuế; Bảo vệ Vinacomin trong bối cảnh giá than thế giới sụt giảm thông qua việc bán than cho EVN.
 
Cũng theo bà Masami Kojima, những quan sát cho thấy ngành điện là ngành có giá cả bị bóp méo lớn nhất (trợ cấp giá điện dưới dạng định giá thấp).
 
Cần đánh giá lại việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu; chi cấp thuế lớn và ưu đãi cho các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện; định giá khí than thiên nhiên và giá than theo nhiều mức. Một vấn đề quan trọng tiếp theo là ứng phó chính sách của chính phủ đối với cú sốc giá dầu tiếp theo.
 
Đại diện Tổng cục Năng lượng cho rằng, có thể một số số liệu nghiên cứu của World Bank đưa ra chưa được cập nhật.
 
Theo ông, Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tăng giá năng lượng. “Nếu không tăng giá sản phẩm xăng dầu thì hiện nay không đủ ngân sách để bù lỗ. Hoặc giá than cũng đã cố gắng điều tiết, giá than bán cho ngành điện hiện nay cũng không phải dưới giá thành. Về trợ cấp giá điện, mục tiêu phải cấp đủ điện để phát triển kinh tế nên hiện nay các nhà tài trợ cũng đang cấp ODA cho ngành điện để phát triển các dự án ở vùng sâu vùng xa”.
 
Trước những đánh giá của World Bank, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng bày tỏ, hiện nay các khoản vay ODA của tập đoàn đều vay lại của Chính phủ thông qua Bộ Tài chính, EVN phải trả lãi vay, phí rủi ro tương ứng với khoản vay thương mại nên vốn ODA với tập đoàn chỉ có ý nghĩa về việc kéo dài thời gian vay. Ngoài ra EVN cũng không được giãn nợ, các khoản vay đều phải thực hiện theo hợp đồng vay.