Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Lấy DN làm đối tượng phục vụ
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí trước buổi hội thảo tham vấn nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức hiệp hội, DN ở khu vực phía nam về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra tại TPHCM từ ngày 9-11/6.
Dự thảo Luật dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7/2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Hỗ trợ toàn diện cho DNNVV
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho DN thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ trên cơ sở có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và sự phát triển kinh tế của đất nước, với lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc những chính sách ưu đãi cho DNNVV theo Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có vi phạm quy định về thương mại quốc tế hay không, nhất là trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, ngay từ đầu khi bắt đầu xây dựng Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã tham khảo, nghiên cứu rất kĩ các quy định chung, xác định đâu là hành lang, không gian để Chính phủ có những chính sách hỗ trợ DN, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính vì thế, những nội dung ưu đãi DNNVV được đưa ra trong Dự thảo hoàn toàn phù hợp, không vi phạm các quy định về thương mại quốc tế.
Gắn nội dung công nghiệp hỗ trợ vào Luật
Tại hội thảo, góp ý cho Dự thảo Luật, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn từ năm 2005-2015, chúng ta có khoảng 38 chương trình hỗ trợ DN, trong đó, tập trung vào DNNVV. Tuy nhiên, việc thụ hưởng từ các chương trình của các DN còn nhiều hạn chế: Nhiều chương trình còn trùng lắp, chồng chéo về nội dung giữa các bộ, ngành, gây lãng phí về nguồn lực; việc triển khai chương trình vẫn theo kiểu mạnh ai ấy làm, chưa có sự gắn kết; chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ DN...
Vì vậy, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị việc thiết kế Chương III về chương trình hỗ trợ DNNVV trong Dự thảo Luật phải bảo đảm yêu cầu khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV.
Theo ông Nam, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, vai trò Nhà nước trong hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV chủ yếu là chính quyền địa phương chứ không phải chính quyền Trung ương. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, vai trò của chính quyền địa phương còn khá chung chung và mờ nhạt. Vì vậy, cần quy định rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các địa phương nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong việc hỗ trợ DNNVV.
Đánh giá cao vai trò của Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, tại Chương II, từ điều 7 đến điều 19, các nội dung hỗ trợ mang tính bao quát, hiểu quy định mang tính đột phá về chính sách phát triển DN, tạo động lực cho khu vực tư nhân phát triển.
Bên cạnh đó, theo ông Lịch, DNNVV là lực lượng chính làm công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Do đó, cần gắn nội dung CNHT vào Luật Hỗ trợ DNNVV.
Cũng theo ông Lịch, Dự thảo Luật cũng nên cân nhắc chế định Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Thực tế, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng ở nước ta trong thời gian qua không hiệu quả, điển hình là tại TPHCM do Quỹ này vẫn bắt thế chấp. Chính vì vậy, trong Dự thảo Luật, đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng phải chế định cụ thể quyền và nghĩa vụ “ tay ba” gồm người vay, tổ chức tín dụng cho vay và Quỹ bảo lãnh, trong đó quy định rõ cho Quỹ bảo lãnh tín dụng không cần phải thế chấp.