Lượng thực phẩm chức năng nghi giả bị tạm giữ lên tới hàng chục ngàn sản phẩm

Theo báo cáo nhanh chiều ngày 31/8 về vụ việc kiểm tra mặt hàng thực phẩm chức năng (TPCN) của Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam (gọi tắt là Công ty Slim HMN Việt Nam), Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) và Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an thành phố Hà Nội cho biết, có hàng chục nghìn sản phẩm TPCN không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu và bị nghi làm giả. Đồng thời, QLTT cũng đã phát hiện nhiều nhà thuốc, quầy thuốc bán TPCN của công ty trên cùng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ.


Lượng hàng không có hoá đơn, nghi làm giả quá lớn
 
Kiểm tra tại trụ sở của Công ty Slim HMN Việt Nam và 2 kho hàng hóa tại xã Tam Hiệp, H. Thanh Trì, Đội QLTT số 7 đã tạm giữ 9.924 sản phẩm của 32 loại TPCN chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ngoài ra còn có 1.937 kg vỏ hộp, tem nhãn các loại; 280 vỏ nhựa; 900 lọ nhựa không nhãn mác.
 
Khám kho hàng hóa tại một địa điểm ở khu đô thị Văn Phú, Phú La, Q.Hà Đông, lực lượng chức năng tạm
giữ hơn 2.830 hộp TPCN; 3.986 lọ thực phẩm bảo vệ sức khỏe do nhiều công ty tại Việt Nam sản xuất; 1.550 lọ đựng viên nang sản xuất từ nhiều nước như Úc, Nhật Bản, Đức; 2.860 chai siro cùng nhiều bao bì, 104 kg nhãn mác các loại, máy ép màng, máy sấy nhiệt các loại... Các hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
 
Tại thời điểm khám xét kho hàng hóa, có mặt ông Vi Văn Hoài. Tuy nhiên ông này cho biết chỉ được thuê đến quản lý hàng hóa. Chủ hàng là ông Trung (Tam Điệp, Ninh Bình) song ông Hoài không thể liên lạc được. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và yêu cầu ông Hoài có trách nhiệm liên hệ với chủ sở hữu hàng hóa tới trụ sở Đội QLTT số 26 làm việc.
 
Khám kho của Doanh nghiệp tư nhân vận tải Anh Lộc số 213 Trương Định, Q.Hoàng Mai do bà Đào Thị Kim Dinh là người đại diện theo pháp luật, cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ 800 hộp TPCN Glucosamine 1600mg do Công ty Slim Việt Nam phân phối.
 
Kiểm tra các cửa hàng kinh doanh, tại điểm kinh doanh của Công ty Slim HMN Việt Nam số 18 dãy 1C ngõ 1 Cầu Bươu, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Đội QLTT số 7 tiếp tục tạm giữ 10.744 sản phẩm là TPCN do nước ngoài sản xuất; 331 kg vỏ, bao bì ngoài sản phẩm, 15 kg tem sản phẩm và 10 kg nhãn phụ tiếng Việt.
 
Nhiều nhà thuốc Hà Nội tiếp tay
 
Ngoài việc kiểm tra đột xuất đơn vị nhập khẩu, phân phối chính tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Ban Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng liên ngành của Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ số lượng lớn lượng TPCN không có hóa đơn chứng từ tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội.
 
Kiểm tra Nhà thuốc Hải Bình II số 6B tổ 87 phường Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, lực lượng chuyên ngành đã tạm giữ 4 hộp TPCN, trong đó 02 hộp MAXNANO HA 1200 60 viên và 02 hộp MAXNANO HA 1200 100 viên do Công ty Slim HMN Việt Nam nhập khẩu và phân phối. Số hàng hóa trên khi bị kiểm tra, chủ nhà thuốc chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.
 
Ở quầy thuốc số 1, địa chỉ 95 Láng Hạ, cơ quan chức năng thu được 10 hộp TPCN GLUCOSAMINE USA (nhập khẩu Mỹ) do Công ty Slim HMN Việt Nam nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên, quầy thuốc này chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.
 
Kiểm tra đối với Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế Bình Minh tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, lực lượng chức năng tạm giữ 32 lọ Glucosamine sit 1600 (sản xuất từ Mỹ) và rất nhiều loại TPCN khác không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu.
 
Thực hiện kiểm tra đối với Nhà thuốc Phú Mỹ tại phường Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm, tạm giữ lượng TPCN không có hóa đơn chứng từ, gồm 3 lọ TPCN HMN Collagen xuất xứ Mỹ, 2 lọ TPCN Glucosamine; 2 lọ TPCN Women’s Happiness; 1 lọ TPCN Plus men USA, 1 lọ TPCN HMN Collagen USA, 1 lọ TPBVSK Nano Calcium USA (đều nhập Mỹ) và được phân phối bởi Công ty Slim HMN Việt Nam.
 
Tại Nhà thuốc Minh Đức, số 112 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, Q. Bắc Từ Liêm, Đội QLTT số 33 đã ra quyết định tạm giữ số hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu và có hóa đơn, chứng từ. Trong đó có 3 hộp TPCN Glucosamine USA; 02 hộp TPBVSK UBB Cartiligins Shark Cartilage và 02 hộp TPBVSK UBB Cartiligins Shark Cartilage (đều được nhập Mỹ) do hai Công ty Slim HMN Việt Nam và Công ty TNHH dược phẩm Việt Ích Phú phân phối.
 
Theo lời một quan chức cao cấp của Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), đây là một vụ đặc biệt nghiêm trọng. Những chứng cớ ban đầu, nhất là số lượng hàng lớn không có hoá đơn, chứng từ trong việc mua bán, nhập khẩu, tiêu thụ số hàng này đã cho thấy những sai phạm nhất định.
 
"Hiện lực lượng chức năng vẫn tiếp tục kiểm đếm và chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm định, sớm công bố chất lượng mẫu sản phẩm bị thu giữ. Nếu đủ yếu tố cho thấy đây là hàng giả thì cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên qua về mua bán, tiêu thụ hàng giả", ông này nói.