Môi giới bất động sản bị kiện vì định giá sai
Sau sự cố các đại gia địa ốc đồng loạt công kích đơn vị khảo sát giá nhà đất thiếu cơ sở hồi tháng 12, trừ Vinaland đã rà soát và điều chỉnh thông tin, CBRE vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Sau hai lần làm việc trực tiếp với lãnh đạo CBRE về sự cố công bố giá căn hộ Cantavil Hoàn Cầu sai lệch, chuyên gia pháp lý Daewon Hoàn Cầu Nguyễn Hữu Nhị cho biết doanh nghiệp ông dự định sẽ khởi kiện để nhờ tòa án phân xử.
Theo ông Nhị, CBRE đã không nhận sai, cũng không trưng ra bằng chứng căn hộ Cantavil Hoàn Cầu giảm 29%. Thêm vào đó, nhân viên CBRE nhiều lần đưa ra các số liệu về diện tích, số toilet trong căn hộ không khớp với thực tế.
"Cách làm việc thiếu khoa học này khiến tôi ngạc nhiên và hoài nghi nên Hoàn Cầu đề nghị CBRE làm rõ các thông tin đã công bố để đảm bảo độ chính xác", ông Nhị nói.
Khách hàng bị đánh đố khi có nhiều kết quả khảo sát giá nhà đất vênh nhau. Ảnh: Vũ Lê. |
Sau hai buổi làm việc chưa ngã ngũ, Tổng giám đốc CBRE Marc Townsend có thư gửi Hiệp hội bất động sản TP HCM để giải trình về sự việc này rồi đăng trên website của đơn vị mình.
Ông Marc đồng ý rằng tại thời điểm 20/11/2008 giá bán của dự án Cantavil Hoàn Cầu không giảm 29%; đồng thời xác nhận giá bán hiện tại dự án này từ 2.970 đến 4.246 USD mỗi m2, đã bao gồm thuế VAT.
Mặt khác, ông Marc khẳng định nhân viên của CBRE đã liên hệ các đại lý, nhà môi giới bất động sản đang chào bán căn hộ thuộc dự án Cantavil Hoàn Cầu; cũng như tìm kiếm thông tin trên ít nhất 4 website về bất động sản để khảo sát giá. Theo đó, có 10 căn hộ Cantavil Hoàn Cầu đang được rao bán theo các hình thức này. Khi trao đổi với nhân viên Công ty Hoàn Cầu, đại diện CBRE tìm thấy căn hộ được chào bán từ giá 2.400 USD mỗi m2. Ông Marc cho biết đã có trong tay bản sao của hợp đồng này với ngày ký là 3/6/2008 với giá 2.490 USD mỗi m2 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý Công ty Daewon Hoàn Cầu phản biện rằng, hợp đồng mà ông Marc có trong tay là của một khách hàng "ruột" được mua với giá ưu đãi, căn hộ ở tầng thứ 12, và khách hàng này đã xác nhận không rao bán căn hộ trên thị trường tự do.
Quan điểm của ông Nhị, nếu CBRE tỏ rõ thiện chí nhận mình sai và sửa sai hoặc chứng minh một cách thuyết phục kết quả khảo sát giá đã công bố thì Hoàn Cầu sẵn sàng bỏ qua. Tuy nhiên, vụ đôi co này đã không giải quyết được theo hai hướng ông Nhị đề ra.
Cũng bị dính chùm trong đợt công bố giá căn hộ cao cấp hồi cuối tháng 11 của CBRE, dự án Mỹ Phúc tọa lạc trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng bị giảm giá tới 52%. Giám đốc kinh doanh Công ty Phú Mỹ Hưng Trương Quốc Hưng cho biết: "Sau khi chúng tôi làm việc với CBRE về sai lệch giá cả thì đơn vị này đã điều chỉnh lại nên dĩ hòa vi quý không truy cứu nữa".
Ông Hưng cho rằng, Phú Mỹ Hưng đã bán rất nhiều dự án ra thị trường, hồ sơ chuyển nhượng trên thị trường tự do dù dưới hình thức nào cũng quy về một mối tại doanh nghiệp. Do đó, những số liệu thiếu thuyết phục của CBRE không hề làm khách hàng bận tâm. "Giá nhà đất đã qua nhiều đợt suy giảm nhưng điều quan trọng là giảm ở mức độ nào. Đơn vị khảo sát cần thận trọng hơn nữa khi công bố số liệu để đảm bảo độ chính xác", ông Hưng nói.
Khác với cách xử lý của CBRE, ngay khi phát hiện số liệu có vấn đề, Vinaland đã kiểm tra lại và thừa nhận có sai sót trong quá trình nhập liệu dẫn đến công bố thông tin căn hộ penhouse Blooming Park chưa chính xác.
Sau sự cố này, Tổng giám đốc Công ty Vinaland Trần Minh Hoàng chia sẻ với VnExpress.net: "Vinaland không có động cơ làm nhiễu thông tin vì khi khảo sát chúng tôi không phân biệt bất cứ sản phẩm của thương hiệu nào, khi phát hiện có sai sót ngoài ý muốn, chúng tôi đã điều chỉnh và xin lỗi chủ đầu tư".
Ông Hoàng cũng phân tích, hiện tượng một số khách hàng chấp nhận bán lỗ nhà đất so với giá mua từ chủ đầu tư là hết sức bình thường trong bối cảnh thị trường địa ốc suy giảm. Quan điểm của chuyên gia này, giá cả tăng lên không có khách hàng đề nghị đóng thêm tiền cho chủ đầu tư, thì việc giá giảm khách hàng đòi lại tiền là vô lý. Ông Hoàng cho rằng, suy giảm là tình hình chung của toàn thị trường, chủ đầu tư và khách hàng phải hết sức bình tĩnh và không nên đổ lỗi quá mức lên đầu các đơn vị tư vấn.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, vì thị trường địa ốc còn thiếu minh bạch, nhiều nhà đầu tư thứ cấp chậm thông qua hồ sơ pháp lý nên công việc khảo sát chỉ mang tính tương đối chứ khó lòng chính xác. Tuy nhiên giới kinh doanh địa ốc khẳng định đã đến lúc cần xác định lại trách nhiệm của đơn vị khảo sát giá nhà đất. Bởi lẽ, khi thị trường bất động sản gặp nhiều biến động và suy thoái kết khảo sát giá kiểu này có sức ảnh hưởng rất mạnh và làm nhiễu loạn thông tin.
"Bản thân bất động sản có hệ giá trị đặc thù, không phải lúc nào cũng tăng giảm tùy tiện như bó rau, con cá ngoài chợ", một nhà kinh doanh địa ốc nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư và khách hàng khi tiến hành giao dịch phải nghe ngóng nhiều nguồn, cân nhắc kỹ giá cả trước khi quyết định, chỉ nên dừng lại ở mức độ tham khảo đối với khảo sát chung chung, không đại diện cho toàn bộ cục diện thị trường.