Theo nghiên cứu, nếu VN có chủ trương phát triển mở rộng những ngành công nghiệp hỗ trợ thì mới có thể đón nhận thêm nguồn đầu tư mới và níu chân các nhà đầu tư hiện tại. Theo đó, nếu không có môi trường đầu tư tốt và đảm bảo các điều kiện sản xuất, VN có thể không còn là nơi sản xuất nữa mà chỉ là thị trường tiêu thụ của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử cho việc này là sự rút lui của Sony và Daihatsu. Các nhà sản xuất đã băn khoăn việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất chủ yếu bằng cách giảm chi phí phụ kiện. HIện nay, VN hầu như chưa có nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ nào để các doanh nghiệp lựa chọn vì lí do công nghiệp hỗ trợ chưa thật sự phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Chính phủ VN đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn 2020 với chiến lược ưu tiên vào 5 ngành như cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử tin học, dệt may và da giày. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, kế hoạch hành động cụ thể để biến quy hoạch thành hiện thực lại chưa có. Thái Lan là một bài học rất đáng để VN rút kinh nghiệm và không lặp lại sai lầm. Tại Thái Lan, công nghiệp hóa đã tăng trưởng rất ấn tượng nhờ thu hút lượng vốn FDI lớn nhưng lại không chuyển giao được khoa học công nghệ, dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển hướng sang địa điểm khác.
VN đang là sự lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư Nhật Bản, là một đối tác tin cậy và là một quốc gia đang phát triển đầy tiềm năng để Nhật Bản có thể chuyển giao công nghệ. Thiết nghĩ, VN không nên đánh mất cơ hội và tiềm năng của mình vì quá chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Và đi đầu trong chuyện này thì ITPC (Trung tâm xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM) sẽ tổ chức hội nghị các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Tp.HCM vào ngày 18 và 19 tháng 12 năm 2008 tại Trung tâm triển lãm quốc tế, dự kiến bao gồm khoảng 40 nhà sản xuất và 40 nhà thu mua tham gia.