Môi trường khu công nghiệp: Còn nhiều băn khoăn và lo ngại
Thực tế cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình phát triển các KCN ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn ngày càng gia tăng về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu đến phần lớn từ chính các KCN đó.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009, tính đến tháng 10/2009, toàn quốc có khoảng 223 KCN được thành lập theo quyết định của Chính phủ (tăng 21% so với năm 2008). Trong đó, 171 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất gần 57.300 ha (tăng 31% so với năm 2008), đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 46%. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại đặt ra, đó là gần 70% trong số hơn một triệu m3 nước thải/ngày từ các KCN được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, có đến 57% số KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh: “Những thách thức này nếu không được giải quyết tốt sẽ gây ra thảm họa về môi trường và biến đổi khí hậu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe cộng đồng hiện tại và tương lai, phá hỏng những thành tựu công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội nói chung ở Việt Nam”.
Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, công tác bảo vệ môi trường ở các KCN trong thời gian qua mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Theo ông Tuyến, phân cấp trong hệ thống quản lý môi trường KCN chưa rõ ràng, tỷ lệ xây dựng và vận hành các công trình xử lý môi trường tại các KCN còn thấp...
Từ góc độ những người thực thi pháp luật bảo vệ môi trường,Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường (Bộ Công an) cho biết, qua 6 tháng đầu năm 2010, Cục đã điều tra, khám phá 3.012 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, xử phạt hành chính trên 17 tỷ đồng. Đặc biệt đã phát hiện tình trạng sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển, xử lý trái phép các loại chất thải nguy hại như dầu máy thải, ắc quy chì cũ, bùn thải và bã quặng kim loại diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng công tác quản lý còn rất lỏng lẻo.
Nhìn nhận về vấn đề bảo vệ môi trường KCN dưới góc độ lập pháp, TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường cho rằng, Luật Thuế môi trường sẽ là một trong những công cụ điều tiết, hỗ trợ và nâng cao tính hiệu quả trong quản lý nhà nước một cách toàn diện theo hướng phát triển bền vững. Riêng đối với các nhà sản xuất, DN, khi áp dụng thuế môi trường, họ sẽ cải thiện công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu… Làm như vậy họ sẽ không phải nâng cao giá thành sản phẩm, giữ được khách hàng tiềm năng và mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường cũng như tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật tại cơ sở, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân. Việc xử lý ô nhiễm không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành tài nguyên môi trường mà còn của toàn xã hội. Đừng ai nghĩ rằng môi trường là vấn đề của người khác, không phải của mình!