Mua bán, sáp nhập sẽ tăng trưởng mạnh

 Mua bán, sáp nhập sẽ tăng trưởng mạnh

Ngày 20-7, đa số diễn giả phát biểu tại hội thảo đều cho rằng hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh.

Tăng cả số lượng lẫn giá trị thương vụ

Theo ông Ian Lydall, Tổng giám đốc công ty PricewaterhouseCoopers (PWC), trong các năm qua số lượng thương vụ mua bán đã tăng mạnh, điển hình là trong quý 4 năm 2008 đã có trên 60 thương vụ.

Tuy con số này đã giảm trở lại trong 6 tháng đầu năm 2009 do tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn khiến việc huy động vốn ở nước ngoài gặp nhiều trở ngại.

Nhiều chuyên gia cho rằng khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, các hoạt động M&A sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Việc này có thể diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới trong các ngành tài chính, bất động sản, truyền thông, dược phẩm, bán lẻ...

Trong một nghiên cứu của PWC, triển vọng của hoạt động M&A tại Việt Nam nằm ở ngành tài chính với mức tăng vào khoảng 14%, chỉ sau Indonesia tại thị trường châu Á.

Sở dĩ có thể tin tưởng vào sự tăng trưởng này, theo ông Andy Ho, giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital, là do tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam vì tình hình chính trị ổn định, dân số đông, vị trí giao thông hàng hóa rất thuận tiện và nguồn cung cấp nguyên vật liệu cũng khá dồi dào.

Ông Ian cho rằng do hoạt động cổ phần hóa đang được Nhà nước thúc đẩy chính là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các công ty có thương hiệu mạnh và vốn lớn.

Theo tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ cuối năm 2008 đến nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, M&A chính là cơ hội cho các doanh nghiệp này tái cấu trúc công ty và vượt qua những khó khăn hiện tại khi có nguồn vốn từ các doanh nghiệp khác.

Cũng chính thời gian này, các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn trong nước có nguồn vốn lớn có thể đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ với giá trị đầu tư thấp hơn, nhưng sau khi vượt qua khủng hoảng thì giá trị doanh nghiệp sẽ được nâng cao hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang có những suy nghĩ tích cực hơn về M&A, không như một suy nghĩ đã cũ là việc bán cổ phần của công ty có thể coi như “bán mình”. M&A thực sự đã chuyển đổi doanh nghiệp từ việc làm ăn không hiệu quả trở thành doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng và gia tăng được giá trị doanh nghiệp.

Những rào cản của hoạt động M&A

Theo PWC, những rào cản chính của hoạt động M&A tại Việt Nam hiện nay chính là các vấn đề về pháp lý và các rủi ro do chính sự không chuyên nghiệp của công ty đối tác muốn bán mang lại.

Cụ thể, các công ty nước ngoài không thể thành lập các công ty mẹ tại Việt Nam, thời hạn thực hiện các thủ tục quá lâu làm chậm tiến trình giao dịch. Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo thiếu năng lực ở nhiều công ty tư nhân của Việt Nam, và việc đầu tư quá dàn trải, thông tin cũng thiếu minh bạch, chậm trễ ở các công ty lớn là rào cản của tiến trình M&A trong thời gian tới.

Ông Trần Anh Đức, công ty luật Hồng Đức dẫn chứng hiện nay Vietcombank không thể tìm được đối tác khi giá đấu bình quân thành công là đến 107.000 đồng/cổ phiếu, và theo quy định giá mua của nhà đầu tư chiến lược không thể thấp hơn mức này.

Trong khi đó, giá hiện nay trên sàn TPHCM, cổ phiếu của Vietcombank giao dịch ngày 20/7 chỉ còn 46.800 đồng/cổ phiếu. Theo ông Đức, các quy định này của luật Việt Nam không có chính sách ưu đãi hơn với cổ đông chiến lược so với cổ đông nhỏ lẻ là điều bất hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng thời hạn chuyển nhượng cổ phần của cổ đông chiến lược là 5 năm đã gây ra các khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn tái cấu trúc danh mục. Đó cũng chính là nguyên do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài dè dặt trong việc chọn lựa đầu tư.