Mua nhà ở Mỹ, rẻ nhưng khó làm thủ tục sở hữu
Đó là tình cảnh mà một phụ nữ thổ lộ tại hội thảo "Mua và đầu tư vào bất động sản tại Mỹ" chiều 31/7.
Chị cho biết, nhận được tin hội thảo, chị đã tức tốc từ Đồng Nai ngược về Sài Gòn để bày tỏ hoàn cảnh mong được giúp tháo gỡ. Ngại bị soi mói, người này từ chối tiết lộ danh tính. Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước, chị ôm mộng sở hữu một căn nhà tại Mỹ để tạo điều kiện cho 2 con từ Việt Nam sang du học, tiết kiệm chi phí. Nung nấu và săn lùng mãi, đầu tháng 7, chớp thời cơ thị trường nhà đất giảm giá mạnh, chị quyết tâm thuê luật sư, môi giới giúp lo thủ tục pháp lý.
Căn nhà ưng ý có diện tích 270 m2 ở bang Massachusetts, Mỹ, giá 264.000 USD. Đến khi về nước, không kể vé máy bay các chuyến đi về, người phụ nữ này đã chi các khoản phí lên đến hàng chục nghìn USD. Vượt qua trở ngại về tài chính cũng như chuyển tiền, đặt cọc, chị đã có được chìa khóa căn hộ và tiến hành sửa chữa một vài chỗ trong nhà. Tuy nhiên, trong tháng 7, chị bị dội một gáo nước lạnh vì căn nhà này đang bị ngân hàng "kéo" do chủ nhà cũ còn nợ tiền nhà băng.
Được môi giới và luật sư tư vấn, nếu muốn đứng tên nhà, chị phải chịu mức thuế là 20.000 USD. Trường hợp vay ngân hàng phải trả lãi suất là 9%, thủ tục rất khó khăn. Việc ngân hàng đòi "siết" căn hộ cũng khiến cho mọi việc xúc tiến thêm đình trệ. Cuối cùng, đi Mỹ nhiều lần, phải viện đến 6 luật sư và môi giới giúp nhưng mua nhà không xong, người phụ nữ đến từ Đồng Nai thấm thía bộc bạch: “Nhiều công ty quảng cáo mua nhà ở Mỹ rất dễ, nhưng khi vào cuộc, thực tế vô vàn khó khăn. Cái khó nhất hiện nay là Chính phủ Việt Nam không cho phép chuyển tiền ra nước ngoài”.
Giám đốc điều hành Công ty VN-US Real Estate (tại Mỹ) James Quang Trần (James Trần) giải thích, trường hợp của chị khách hàng đến từ Đồng Nai bị vướng thủ tục mua căn hộ thuộc vào loại bị ngân hàng tịch biên hoặc chủ nhà phải bán nhà với giá thấp hơn giá trị ban đầu để trả nợ. Tình huống này rất phổ biến tại Mỹ và cũng khá phức tạp. Thống kê sơ bộ, hiện 70% lượng nhà bán tại Mỹ thuộc diện bị ngân hàng tịch biên.
Để tránh những rắc rối về sau, ông James Trần khuyên chị nên lấy lại tiền cọc, tìm một môi giới khác giỏi hơn để tư vấn, hỗ trợ giúp chị chọn một căn nhà khác có pháp lý minh bạch hơn. Ông còn khuyến cáo thêm, khi chưa có giấy tờ nhà hợp lệ xác định là chủ sở hữu mà chị đã sửa chữa nhà cửa là vi phạm luật của xứ này. "Nếu xử lý không khéo, chị có thể bị chủ nhà kiện ngược lại về tội tự ý phá hoại tài sản", ông nhấn mạnh.
Vừa từ Mỹ trở về, chị Phi Yến bộc bạch nhiều kinh nghiệm và những hiểu biết về thị trường nhà đất hấp dẫn nhưng nhiều trở ngại. Ảnh: Vũ Lê. |
Còn bà Phi Yến (một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Sài Gòn) vừa từ Mỹ trở về sau chuyến thực địa thị trường nhà đất xứ này cho biết, hiện nay giá nhà tại Mỹ đang giảm mạnh, mua vào lúc này ghim hàng 2-3 năm sau chờ thời cơ thì chắc chắn thắng lớn. Chẳng hạn như căn nhà ở California có hướng nhìn ra biển trước đây có giá 500.000 USD nay được rao bán 350.000 USD. Theo bà, mức giá nhà đất Mỹ hiện nay còn nhiều khả năng giảm thêm chút ít nhưng đã rơi vào ngưỡng rất thấp so với mặt bằng giá trước đây.
Tuy nhiên, theo bà Yến, điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý là thủ tục mua nhà sẽ bị kéo dài gấp đôi so với quy định. Điều này có nghĩa, hồ sơ pháp lý từ 3 tháng sẽ tăng lên thành 6 tháng vì dân Mỹ đang điêu đứng bởi suy thoái kinh tế, hầu như những căn nhà đang rao bán đều gánh nhiều nợ và đứng trước nguy cơ bị tịch biên. Trong khi đó thủ tục cho những căn hộ thuộc diện này không đơn giản. Bà còn khuyến cáo các ông bố bà mẹ có con du học ở nước ngoài, các nhà đầu tư Việt Nam ôm mộng "lướt sóng" nhà đất ở Mỹ phải cẩn thận, không nên chuyển tiền theo đường tiểu ngạch, núp bóng doanh nghiệp vì rủi ro khôn lường.
Ông James Trần cho biết thêm, người muốn mua nhà tại Mỹ để cho thuê chiếm 28-29%, đầu tư và nghỉ dưỡng khoảng 12-13%, mua cho con ăn học hơn 50%. Tuy nhiên, khi nhà băng đã siết chặt cho vay, đặc biệt là cho vay đối với người nước ngoài thì thị trường sụt giảm đáng kể. Đến năm 2009, hầu hết ngân hàng Mỹ đã ngừng cho vay đối với người nước ngoài, nhưng vẫn còn một số nhà băng cho vay nếu người mua nhà đặt cọc 50% giá trị căn hộ. Song trở ngại lớn nhất là về văn hóa và ngôn ngữ trong giao dịch bất động sản sẽ khiến cho người đến từ các quốc gia khác phải mất một thời gian dài mới giao dịch thành công.
Từng trải qua chuyến công tác tại Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM Đỗ Thị Loan cho biết, các dự án tại đây có giá thấp hơn nhiều so với TP HCM nên nhà đầu tư muốn lấn sang thị trường này là điều dễ hiểu. Bà cho biết, một dự án mới xây ở Virginia Washington DC, căn biệt thự gần 200 m2 sàn giá chỉ 100.000 USD, thiết kế và xây dựng rất đẹp giống như kiến trúc của châu Âu.
Song, bà Loan cũng cho rằng, mua nhà tại Mỹ là nhu cầu thật sự của người Việt Nam, nhưng nếu chuyển tiền ra nước ngoài thì vô cùng khó khăn. Ngoài ra, nếu muốn đầu tư thành công người mua nên đầu tư vào những thị trường mình am hiểu, nắm chắc có lời thì mới nên đầu tư.
Các loại thuế và phí liên quan đến bất động sản tại Mỹ do Công ty Công ty VN-US Real Estate cung cấp: Thuế thu nhập từ cho thuê bất động sản: 30% giá thuê. Thuế bất động sản: 0,5-3% mỗi năm tùy từng tiểu bang. Thuế tăng vốn sau khi chuyển nhượng bất động sản: 23% đối với sở hữu doanh nghiệp và 15% đối với sở hữu cá nhân. Phí đặt cọc mua nhà tối thiểu 1-3% trên tổng giá trị căn hộ. Người nước ngoài vay phải đặt cọc phải trên 50% giá trị căn hộ và phải chứng minh được thu nhập, khả năng chi trả. |