Năm 2010, tạo việc làm cho 1,6 triệu người

Năm 2010, tạo việc làm cho 1,6 triệu người

CôngThương - Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - đã tới dự và chỉ đạo nhiều nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần triển khai trong năm 2010.

Năm 2009: 1,510 triệu người có việc làm mới

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, năm 2009, cả nước đã tạo việc làm cho 1,510 triệu người (đạt 93,5% thực hiện năm 2008 và đạt 88% kế hoạch năm), trong đó: Tạo việc làm trong nước cho 1,437 triệu người (khu vực công nghiệp và xây dựng 477 ngàn người; khu vực dịch vụ 505 ngàn người; khu vực nông nghiệp 455 ngàn người). Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã cho vay trên 1.600 tỉ đồng (vốn bổ sung mới 313 tỉ đồng, vốn thu hồi 1.300 tỉ đồng), tạo việc làm trên 250 ngàn người.

Một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2010

Tạo việc làm cho 1,6 triệu người.

Tuyển mới dạy nghề cho 1,748 triệu người.

Tỉ lệ nữ trong tổng số LĐ được tạo việc làm mới đạt 50%, tuyển mới dạy nghề đạt 43%.

Dạy nghề, tạo việc làm, hoàn lương cho 2.000 đối tượng mại dâm; dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện cho 6.000 người...

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đàm Hữu Đắc cho biết: Do tác động không đều của khủng hoảng nên một số địa phương vẫn đạt trên 100% kế hoạch năm, bằng và cao hơn thực hiện năm 2008 như: Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh...

Về tạo việc ngoài nước, năm 2009, cả nước đã đưa 73.028 người đi XKLĐ (đạt 85,9% thực hiện năm 2008 và 81,1% kế hoạch năm). Theo Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành, đặc biệt là các DN XKLĐ. Triển khai Đề án 71 của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2009-2020, đến nay đã thí điểm thực hiện tại 28 huyện thuộc 10 tỉnh, tuyển chọn, đào tạo cho 3.500 người, trong đó 1.000 người đã xuất cảnh.

Năm 2010: Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đàm Hữu Đắc cho biết: Để đạt chỉ tiêu tạo 1,6 triệu việc làm mới, ngành sẽ tập trung phát triển thị trường LĐ, tạo nhiều việc làm cho người LĐ. Cụ thể, các tỉnh, TP thuộc 3 vùng kinh tế trọng điểm sẽ đẩy nhanh, mạnh công tác dạy nghề, nhất là CĐ, TC nghề; mở rộng hoạt động giao dịch và thông tin thị trường LĐ; phát triển DN quy mô khá và công nghệ cao; phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, phục vụ gia đình... thu hút khoảng 900 ngàn LĐ, trong đó 600 ngàn LĐ tại địa phương và 300 ngàn LĐ từ các địa phương khác đến làm việc.

Các tỉnh khác sẽ đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho LĐ nông thôn, thanh niên dân tộc để cung ứng khoảng 300 ngàn LĐ cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm và tạo việc làm tại địa phương cho khoảng 615 ngàn người, trong đó chuyển 305 ngàn LĐ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ tại địa phương.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, các giải pháp đồng bộ đi kèm đã được vạch ra như: Phát triển và hoạt động có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm tại 40 tỉnh, TP; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm; các chính sách hỗ trợ thanh niên, người nghèo vay vốn học nghề, làm thủ tục XKLĐ...