Nếu không quản lý tốt có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Như vậy hàng trăm ngàn công nhân, lao động trở thành người thất nghiệp. Trong tình cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như là cái phao để người lao động chống chọi với những khó khăn trước mắt. Ông Đỗ Quang Khánh, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM trao đổi xung quanh vấn đề chi trả BHTN tại TP.HCM, nơi có hơn 5 triệu lao động đang làm việc.
Thưa ông, tính từ khi bắt đầu chi trả BHTN đến nay, BHXH đã chi trả cho bao nhiêu lượt người, chiếm bao nhiêu phần trăm quỹ thu?
Tại TP.HCM, năm 2010 có khoảng 52.000 người lao động được chi trả BHTN với số tiền là 132 tỉ đồng. Nhưng chín tháng đầu năm nay thì đã có hơn 72.000 người nhận BHTN với khoảng 305 tỉ đồng. Ước tính hết năm 2011 có khoảng trên 100.000 người sẽ được chi trả BHTN với số tiền gần 460 tỉ đồng. Trên thực tế, số chi như thế là chưa nhiều. Trừ khoản chi phí đào tạo nghề, chi phí giới thiệu việc làm, thì số chi BHTN mới chỉ chiếm gần 40% số thu. Có thể do đây là một chính sách mới, nhiều người lao động chưa nắm rõ yêu cầu, điều kiện được hưởng, nên chưa liên hệ xin hưởng.
Nếu tất cả người lao động thất nghiệp đều tới lãnh BHTN thì sẽ thế nào, thưa ông?
Theo quy định thì không phải chỉ người lao động bị mất việc mới được hưởng BHTN mà kể cả nếu người lao động tìm được chỗ làm mới tốt hơn, chủ động xin nghỉ chỗ cũ mà đóng BHTN đủ thời gian thì họ vẫn có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực tế, TP.HCM đang thiếu lao động phổ thông nên giữa các doanh nghiệp thâm dụng lao động luôn có sự cạnh tranh dẫn đến tình trạng nhảy việc cao và quỹ BHTN vẫn phải gánh trường hợp này. Hiện nay, còn có tình trạng người lao động chủ động xin nghỉ để nhận trợ cấp thất nghiệp dẫn đến những khó khăn nhất định cho nhiều doanh nghiệp. Vì thế, có nơi đã nảy ra “sáng kiến” bố trí cho nghỉ từng đợt (khi người lao động đã đóng BHTN đủ 12 tháng) để họ nhận BHTN, ngay sau đó lại tiếp nhận, ký hợp đồng trở lại. Người lao động vẫn được nhận đủ ba tháng trợ cấp thất nghiệp mặc dù họ đã đi làm trở lại ở nơi khác, hoặc ở ngay tại đơn vị cũ. Phía cơ quan BHXH biết nhưng cũng đành chấp nhận vì họ không vi phạm luật. Mà cũng chả có chế tài nào để xử lý tình huống này nữa. Tôi cho rằng, giải quyết trợ cấp thất nghiệp theo cách này rất không ổn. Một chính sách tốt như thế, không chừng lại tạo điều kiện, tiếp tay cho người ta làm những việc có tính chất đối phó, thiếu trung thực, đồng thời sẽ là sự thiếu công bằng với những người đang làm việc khác, và có thể còn dẫn đến hậu quả xấu đối với mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nữa.
Nếu trường hợp người lao động xin hưởng BHTN tăng cao thì có nguy cơ vỡ quỹ không, thưa ông?
Tại TP.HCM hiện đang có gần 1,5 triệu người tham gia BHTN. Mà cứ năm người đóng BHTN mới đủ chi cho một người nhận trợ cấp thất nghiệp, chưa kể còn chi phí khá lớn cho việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hay BHYT cho người thất nghiệp nữa. Đây là chính sách nhiều người đóng để hỗ trợ cho một số người trong tình huống ngặt nghèo nên nếu ai đóng cũng tìm cách để được hưởng BHTN thì trong tương lai có nguy cơ không đủ nguồn chi. Chúng tôi cũng lo lắng một khi tất cả người lao động đều nắm được chính sách và lại có sự “tiếp tay” của phía doanh nghiệp nữa thì nguy cơ vỡ quỹ là rất cao.
Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng này không?
Muốn khắc phục tình trạng này có lẽ trước hết phải giải nghĩa cho đúng khái niệm “thất nghiệp” trong các văn bản thi hành luật hiện nay. Bên cạnh đó, cũng phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ để xác định người lao động mất việc thật hay mất việc giả mà ra quyết định hưởng BHTN. Phải làm sao để chính sách BHTN giải quyết cho đúng người, đúng đối tượng, hỗ trợ đắc lực cho những người thực sự rơi vào hoàn cảnh mất việc cần trợ giúp.