Ngân hàng Việt Nam lời to trong khủng hoảng

Thưa ông, trong hơn một năm qua, thị trường tài chính thế giới chao đảo, hàng trăm ngân hàng, định chế tài chính lớn sụp đổ nhưng vì sao các ngân hàng Việt Nam vẫn đứng vững?

Thực tế là có thời điểm trong năm 2008, nhất là khi lạm phát tăng cao thì một số ngân hàng cũng khó khăn. Nhưng về cơ bản là hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn lành mạnh do không ôm phải những khoản nợ xấu, các tài sản thế chấp “độc hại” như các ngân hàng ở Mỹ, châu Âu. Thậm chí tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng Việt Nam năm 2008 là năm xảy ra khủng hoảng còn cao hơn năm 2007. Có nhiều ngân hàng còn vớ được một mớ trái phiếu chính phủ bán tháo ở các nước mà lãi suất chiết khấu lên tới 25%, thời hạn thanh toán thì ngắn. Số đó cũng 3 – 4 tỉ USD chứ không phải ít. Quá ngon. Mà họ bán tháo suốt cả năm 2008, cả quý 1 năm nay và bây giờ vẫn còn. Số trái phiếu mà các ngân hàng đã mua lên đến 3 – 4 tỉ USD chứ ít đâu. Đó thực sự là cơ hội lớn.

Đó cũng là một lý do giải thích vì sao hiện nay cổ phiếu các ngân hàng có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường hiện nay?

Kinh tế Việt Nam bây giờ hội nhập rồi nên nhà đầu tư khi họ theo dõi thị trường chứng khoán các nước thì thấy cổ phiếu ngành ngân hàng lên nhanh thì họ cũng cho là ở Việt Nam cũng lên. Nhà đầu tư họ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn mà các ngân hàng là các doanh nghiệp lớn có thông tin tương đối minh bạch, công bố lợi nhuận, có kiểm toán đàng hoàng, thậm chí là kiểm toán quốc tế. Trong khi các ngân hàng thế giới vừa qua người ta dự báo anh nào lợi nhuận ròng trên vốn cao nhất cũng chỉ 4%, thấp nhất là -6%, đến giờ cao nhất là 2% (lợi nhuận ròng trên vốn tự có), thấp nhất là -80%. Nhưng ngân hàng Việt Nam vẫn 14, 15% thì khả năng sinh lời là rất cao, vào loại cao nhất thế giới. Đó là kết quả tài chính hiếm có trong thời điểm này. Ngay các nhà đầu tư, tổ chức tài chính nước ngoài họ cũng có quan tâm, nhòm ngó vào, đánh giá đây là một thị trường đầy tiềm năng.

Vừa qua có nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam nên dừng gói hỗ trợ lãi suất 4% cho các ngân hàng. Ông thấy khuyến nghị này có đúng đắn không và cơ sở của nó?

Tôi biết không chỉ có một số chuyên gia kinh tế nước ngoài mà ngay cả một số chuyên gia trong nước như ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, gói hỗ trợ này là “không giống ai”. Thực tế, ban đầu, khi tính toán gói hỗ trợ kích thích kinh tế, rất nhiều chuyên gia đề nghị phải làm như thế giới, là hạ toàn bộ trần lãi suất xuống, không tài trợ cho ai hết. cả tiền gửi lẫn cho vay, cả cho vay tiêu dùng, bất động sản như nhau.

Trong kinh tế học có khái niệm gọi là bẫy thanh khoản. Mỹ, Nhật nếu hạ lãi suất xuống 0% dân người ta vẫn vác tiền đến gửi ngân hàng không vấn đề gì cả, bởi tài khoản của họ là tài khoản thanh toán, không phải tài khoản tiết kiệm. Lãi suất đối với họ không phải vấn đề gì hết. Bẫy thanh khoản của họ là rất thấp. Nếu Việt Nam hạ lãi suất tiền gửi xuống 4% là dân chúng không ai gửi tiền, họ sẽ mang đi mua đôla, mua vàng, mang đi cho vay. Họ không phải gửi tiền để thanh toán, họ gửi để kiếm tiền lãi. Nếu mình hạ lãi suất xuống mà rơi vào đúng cái bẫy đó, dân chúng không gửi tiền nữa thì ngân hàng sụp đổ ngay lập tức. Nhưng chính sách hỗ trợ lãi suất lại rất phù hợp với thực tế Việt Nam mà tôi cho đó là chính sách thông minh. Vì với chính sách này, các ngân hàng buộc phải cho vay ra mới được tài trợ, không cho vay không được tài trợ. Đẩy được tín dụng ra thị trường, tránh tín dụng đóng băng và tín dụng có mở ra được thì nó mới hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Như Mỹ, Chính phủ rót tiền cho các ngân hàng thương mại bảo cho doanh nghiệp vay nhưng nó không cho vay mà mang ngược tiền lại gửi cho ngân hàng trung ương để kiếm lãi. Vẫn đóng băng tín dụng, hiệu ứng kích cầu rất kém. Lòng tin không còn nữa thì ai dám mở hầu bao cho vay được. Nếu tín dụng không tăng trở lại thì mọi bài toán về kích thích kinh tế đều vô nghĩa.

Nợ xấu của các ngân hàng hiện nay đang có chiều hướng tăng. Theo ông thì các ngân hàng sẽ phải giải quyết vấn đề này thế nào?

Con số thống kê chính xác thế nào thì chưa bàn nhưng có báo cáo hiện nay nợ xấu khoảng 3% nợ xấu tăng hơn so với năm ngoái 2,5%. Nhưng vẫn là con số rất thấp so với sau khủng hoảng tài chính châu Á, lên đến 14%. Vào thời điểm đó ngân sách còn hạn hẹp, tài trợ nước ngoài rất ít, nhưng chúng ta vẫn xử lý. Với nguồn lực hiện tại của các ngân hàng thương mại, quỹ dự phòng rủi ro cao hơn, ngân sách chính phủ mạnh hơn, tài trợ nước ngoài khả quan hơn… thì nợ xấu không có gì ghê gớm. Tôi cho rằng con số hạch toán là chưa chính xác nhưng nếu nợ xấu đến 4, 5% đi nữa vẫn trong tầm Chính phủ có thể xử lý được.

Theo ông vấn đề đáng lo ngại nhất mà các ngân hàng trong nước sắp tới phải đối mặt là gì?

Vấn đề phức tạp nhất chính là lạm phát. Nó không đơn giản chỉ làm cho giá tiêu dùng tăng mà giá tất cả các loại tài sản tăng: dẫn đến bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán, tiêu dùng quá nhiều của người dân, tỷ lệ tiết kiệm giảm, tỷ lệ tiêu dùng tăng... có hiệu ứng đến tất cả các loại tài sản khác. Tất cả nguồn lực xã hội đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào chứng khoán, vào tiêu dùng. Và khi đạp phanh lại để chống lạm phát thì tất cả tan biến hết. Tài sản của từng gia đình một sẽ bị tiêu hao hết sức nặng nề. Nguy cơ đáng kể nhất trong trung hạn là lạm phát, nhưng giờ Chính phủ có kinh nghiệm rồi, ngân hàng Nhà nước cũng rất cảnh giác. Bắt đầu có những nghiên cứu, những giải pháp để đề phòng lạm phát trong trung hạn rồi, nên sẽ có thời giờ để làm từ từ, không phải phanh gấp gây ra những cú sốc như trước nữa.