Ngành than ưu tiên trong nước, giảm dần xuất khẩu

Ngày 31/8, Bộ Công Thương đã công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
 
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than bình quân khoảng 17.930 tỷ đồng/năm; trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là khoảng hơn 95.000 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030 hơn 172.000 tỷ đồng.
 
Nguồn vốn này chủ yếu tập trung cho đầu tư mới và cải tạo mở rộng các khu mỏ, đầu tư công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng than tiên tiến...
 
Cụ thể, tại bể than Đông Bắc, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành công tác thăm dò đến mức -300 m và một số khu vực dưới -300 m đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên. Đến hết năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ than để huy động vào thiết kế trong giai đoạn 2021-2030 và sau 2030.
 
Với bể than sông Hồng, quy hoạch đặt ra trước năm 2020 hoàn thành thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải (Thái Bình); trên cơ sở thử nghiệm, sẽ tiến hành thăm dò mở rộng để làm cơ sở phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.
 
Về khai thác than, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.
 
Ngành than phải giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% vào năm 2020 và dưới 5% sau năm 2020...
 
Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, tính đến nay, tổng trữ lượng và tài nguyên than khoảng 48,88 tỷ tấn gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên; trong đó, trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn gồm 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên.