Người lao động rong chơi sau Tết, Việt Nam nghèo gần nhất ASEAN

Đến hẹn lại lên”, cứ sau Tết, có một lực lượng lớn người dân cả nước, trong đó đáng kể nhất là người lao động trên địa bàn Hà Nội không tập trung vào công việc mà dành thời gian công sở để đi thăm viếng, chúc tụng nhau và đi lễ hội.

Hành vi thiếu chuyên nghiệp này góp phần khiến năng suất lao động thấp, từ đó tạo ra hệ lụy là Việt Nam nghèo gần nhất ASEAN, còn Hà Nội thua kém nhiều tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2015, PCI của Hà Nội chỉ đứng ở vị trí 26.

Phóng viên báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Phùng Quang Huy - Giám Đốc Văn phòng giới sử dụng lao động về vấn đề này.

- PCI của Hà Nội thua kém nhiều tỉnh thành, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thua kém nhiều nước ngay cả trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động được xem là một trong những nguyên nhân tạo nên hệ lụy đó. Vậy việc người dân, trong đó đặc biệt là người lao động Hà Nội có thói quen rong chơi sau Tết có khiến năng suất lao động thấp đi không thưa ông?

Đó là một nguyên nhân. Nhưng xét một cách tích cực thì cần phải biết không phải lúc nào năng suất lao động của người Việt Nam đều kém. Trong quá khứ, giai đoạn 1968 - 1970, chúng ta có Thái Bình quê hương 5 tấn, chúng ta có hàng vạn lao động hăng say đêm ngày phục vụ cho tiền tuyến.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có hàng vạn người đi xe thồ chi viện cho Điện Biên Phủ. Chính năng suất lao động cao mới tạo nên một Điện Biên Phủ chấn động như vậy. Có thể thấy, xét về năng suất lao động, chúng ta đã từng cất cánh, chúng ta đã từng đạt kỳ tích nên nói bản chất dân tộc Việt Nam kém cỏi là không đúng.

Chỉ có điều những bản chất tốt đang bị “lặn” đi, chỉ cần khơi nó ra. Ai là người có thể khơi ra? Trong lao động, có 2 đối tác chính ông chủ (E) và thợ (W). Nhưng có một thành phần nữa rất quan trọng đó là môi trường. Mà môi trường do Chính phủ (G) tạo nên.

- Đã từng tạo được kỳ tích nhờ năng suất lao động trong quá khứ, vậy tại sao hiện nay năng suất lao động thấp lại luôn là yếu tố khiến các nhà làm kinh tế đau đầu thưa ông?

Xét về năng suất lao đông, chúng ta đã từng cất cánh, chúng ta đã từng đạt kỳ tích nên nói bản chất dân tộc Việt Nam kém cỏi là không đúng.
   
Người lao động năm 70 khác người lao động bây giờ, công nghệ khác, bối cảnh kinh tế, chính trị cũng khác. Bây giờ chúng ta có nhiều công nghệ tốt hơn nhưng vận dụng công nghệ như thế nào thì vẫn do con người. Vì vậy, bản chất vẫn nằm ở con người.  Bây giờ nguồn lực cũng khác. Công nghệ thế kỷ 21 khác thế kỷ 20. Vấn đề là ứng dụng như thế nào. Tóm lại năng suất lao động được tạo nên dựa trên cơ chế 3 bên Chính phủ (G) – Giới chủ (E) – giới thợ (W).

Giới chủ và giới thợ tương tác tạo ra sản phẩm. Còn Chính phủ tạo ra môi trường. Hiện nay môi trường có chưa? Có rồi nhưng vẫn thiếu hụt. Nói chung, chúng ta thiếu cả 3 bên nên chưa môi trường chưa tuyệt vời được.

Chính phủ đã và đang rất cố gắng nhưng chưa đạt được mục tiêu vì chưa có môi trường kinh doanh thuận lợi, hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động. Thuận lợi, hiệu quả ở đây là thông thoáng, không có thủ tục hành chính nhũng nhiễu, thủ tục phải nhanh gọn, tốn ít thời gian, phải có chính sách giúp con người hăng say làm việc,...

Giới chủ phải tạo nhiều việc làm. Họ chỉ làm được điều đó khi có lời. Giới chủ Việt Nam cũng đang vật vã. Hiện tại, chúng ta chưa có những bộ óc siêu việt, chưa có ai vươn ra tầm thế giới. Có những người được báo chí nước ngoài ca ngợi nhưng việc họ làm được chỉ là tạo doanh thu chứ không có sự đột phá, sáng tạo.

Người lao động còn tệ hơn vì họ là sản phẩm của môi trường. Môi trường “đẻ” ra người lao động. Chúng có vấn đề ở cả 3 khía cạnh nên đương nhiên nền kinh tế xập xệ.

- Vậy người lao động rong chơi sau Tết là kết quả của cơ chế chứ không phải do bản thân người lao động có thái độ làm việc tồi thưa ông?

Người lao động tồi không phải bản thân họ tồi. Họ đều trên 18 tuổi rồi, họ nhận thức được chứ. Nhưng trong khi mọi người xung quanh đều mải mê chúc tụng, mải mê lễ hội mà không bị làm sao thì họ cũng bắt chước thôi.

Vẫn những con người, nếu đưa sang Nhật Bản, Hàn Quốc họ không thể làm việc như vậy được vì môi trường làm việc, luật pháp, văn hóa khác chúng ta. Trong môi trường làm việc ai cũng miệt mài thì họ không thể chểnh mảng được.

Còn như ở ta, ví dụ một doanh nghiệp muốn công nhân đi làm mồng 5 Tết, họ cũng khó làm được vì doanh nghiệp cả khu vực đều nghỉ lâu hơn. Muốn công nhân đi làm sớm hơn thì cả tỉnh phải thực hiện. Vai trò của Bí thư, Chủ tịch tỉnh rất quan trọng.

- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để năng suất lao động được cải thiện hơn nữa?

Năng suất lao động thấp vì trong thời gian quá dài Chính phủ không lo lắng nhiều cho người lao động. Bây giờ không phải cứ muốn là sửa được ngay. Nó là công cuộc xây dựng con người. Công cuộc này phải mất từ 5 tới 10 năm. Muốn giải quyết được tình trạng này phải thay đổi cả G – E. Song song đó là dành ngân sách đào tạo tốt cho W.

Đại diện cơ quan 3 bên Bộ Lao động Thương binh & Xã hội - VCCI –  Công đoàn. Trong đó Công đoàn Việt Nam yếu nhất vì khi nghĩ tới Công đoàn, người ta chỉ nghĩ đến ma chay cưới hỏi. Nhiệm vụ của Công đoàn đâu phải vậy.

Đây là vấn đề tập trung trí tuệ, chất xám kiến thức của các bộ óc uyên bác nhất Việt Nam để tìm câu trả lời sao cho Việt Nam cất cánh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.