Nhà ở cho công nhân

Hiện nay, số công nhân lao động làm việc tại các KCN và cụm công nghiệp tại Hà Nội là khoảng 120.000 người. Ở TP Hồ Chí Minh khoảng 250.000 người trong 13 KCN, trong đó hơn 70% là từ các tỉnh khác đến phải thuê nhà để ở. Tại Ðồng Nai, có tới 335.000 lao động làm việc tại 29 KCN, trong đó 60% cần chỗ ở. Số lao động ngoại tỉnh ở Bình Dương chiếm tới 90% trong số gần 200.000 công nhân lao động làm việc tại 26 KCN. 12 KCN ở Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút gần 30.000 lao động, mà chỉ hơn 1.000 người được thuê nhà lưu trú do doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng... Nhu cầu về nhà ở cho họ là quá lớn, trong khi số địa phương và doanh nghiệp quan tâm xây nhà hoặc thu xếp chỗ ở hẳn hoi cho người lao động lại rất ít ỏi. Theo báo cáo của Tổng LÐLÐ Việt Nam, hiện mới có khoảng 2% trong tổng số công nhân tại các KCN cả nước có nhu cầu được thuê nhà do doanh nghiệp và các địa phương xây dựng, còn hơn 90% phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, nhếch nhác, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, năng suất và chất lượng lao động, còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Sở dĩ có tình trạng như vậy bởi khi quy hoạch các KCN, vấn đề nhà ở cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc xây dựng nhà cho công nhân thuê, bởi kinh phí đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại nhỏ giọt.

Chính phủ đã ra Nghị quyết và Quyết định số 66/2009/QÐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân thuê, có hiệu lực từ tháng 6-2009. Quyết định này cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có nhiều KCN, phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KCN gắn với quy hoạch phát triển nhà ở công nhân và khuyến khích xã hội hóa công tác này.

Từ sự quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ và sự thúc bách của tình hình, nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Trong đó 5 khối nhà dành cho công nhân KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) là bước khởi đầu. Tiếp đó, Hà Nội cũng khởi công xây dựng khu nhà ở cho công nhân nữa tại KCN Phú Nghĩa, do Tập đoàn Phú Mỹ đầu tư xây dựng trên diện tích 9,5 ha. Tuy có chuyển biến nhưng do nhu cầu thực tế quá lớn, việc đáp ứng mới chỉ là bước đầu, quá trình triển khai từng dự án còn nhiều vướng mắc và cần có thời gian. Một số nơi công nhân được thuê nhà trong những khu lưu trú tập trung còn băn khoăn bởi giá thuê cao hơn bên ngoài, việc doanh nghiệp hỗ trợ công nhân tiền điện nước hoặc phân nửa tiền thuê nhà là biện pháp thiết thực.

Giải quyết nhà ở để công nhân ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và đất nước là trách nhiệm của Nhà nước, của doanh nghiệp và của bản thân người lao động. Ðó cũng là thực hiện nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh.