Nhân lực: Nếu làm ráo riết sẽ cạnh tranh được với thế giới
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã những đánh giá về xung quanh việc thực hiện Quy hoạch này.
Với mục tiêu đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, theo ông Quy hoạch này có gặp phải trở ngại gì? Liệu chúng ta có thể đạt được mục tiêu như dự kiến?
Nói về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng thừa nhận thực tế là nhiều năm qua việc cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng không thể đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ cao.
|
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những điểm mấu chốt đang được Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam có đặc thù nguồn nhân lực rất đông và khác hẳn với nhiều nước là nguồn nhân lực của Việt Nam cực kỳ trẻ, đây gọi là giai đoạn dân số vàng, tuy nhiên, nếu chúng ta không tận dụng được lợi thế này thì nó sẽ không chỉ không phát triển mà còn gây ra nhiều hậu quả. Bởi vậy, bài toán đặt ra lúc này là cần phải đột phá, phát huy hết năng lực của giới trẻ, kể cả tài năng sáng tạo, sức mạnh tốc độ, có vậy mới đuổi kịp thế giới. Và nếu chúng ta làm ráo riết, quyết liệt thì trong 10-15 năm tới, Việt Nam sẽ có một nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh và sánh vai với thế giới.
Mặc dù Việt Nam đang có một nguồn nhân lực khá dồi dào so với các nước, nhưng phần lớn lại là lao động phổ thông, có thể nói là thừa thầy, thiếu thợ. Ông có đồng ý như vậy không?
Về hình thức, có thể nói là thừa thầy, thiếu thợ. Nhưng nói một cách công bằng thì Việt Nam hiện đang thiếu cả thầy và thợ, vì chúng ta đào tạo đại học, nhưng chất lượng không cao, dẫn tới thiếu nguồn nhân lực chất lượng trong dài hạn. Điều này là do chúng ta quá chú trọng đến thương mại đào tạo, tức coi trọng bằng cấp hơn chất lượng, và một khi tính thương mại lấn át đào tạo thực chất sẽ không thể tạo ra một thị trường cạnh tranh về lao động.
Vậy theo ông để hạn chế những bất cập này chúng ta phải làm gì?
Tôi cho rằng, có rất nhiều chuyện chúng ta phải làm. Nhân lực cũng giống như mô hình tăng trưởng vậy, phải tái cơ cầu từng mặt một, sâu hơn nữa là nền tảng kinh tế thị trường cũng phải thay đổi. Với nguồn nhận lực yếu và thiếu như hiện nay thì không phát triển ngay được mà chúng phải biết chọn cách tiếp cận, gỡ và giải quyết những nút thắt để tạo sức lan tỏa có hiệu ứng và hiệu quả tốt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Quy hoạch thì phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo, 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, 300 sinh viên ĐH, CĐ trên tỉ lệ 10 nghìn dân, 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế, 100.000 giảng viên ĐH, CĐ…
Đi kèm với quy hoạch này, những giải pháp đột phá được thực hiện cũng được đưa ra như đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực, đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc tế, đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức, xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực…
Từ đó, mỗi Bộ ngành và địa phương sẽ xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung nói trên nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và huy động các nguồn vốn cho phát triển đào tạo nhân lực.