Nhập siêu tăng, tỉ giá ra sao?

Nhập siêu tăng, tỉ giá ra sao?

Thông tin nhập siêu đang tăng lên càng củng cố kỳ vọng tỉ giá sẽ còn tăng. Phải hiểu hết câu chuyện về nhập siêu. Sáu tháng đầu năm 2009, xuất khẩu được trên 27 tỉ USD, nhập khẩu là trên 29 tỉ USD, nhập siêu vào khoảng 2,1 tỉ USD. Con số này là không đáng lo ngại. Xuất khẩu có giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nhập khẩu lại giảm đến 34%, vì thế nhập siêu trong sáu tháng đầu năm cũng giảm theo.

Cần lưu ý là năm 2009, khi cân đối kinh tế vĩ mô chúng ta dự trù nhập siêu lên đến 8-10 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm 2009, con số này chỉ trên 2 tỉ USD. Như vậy, nhập siêu đã diễn ra thấp hơn so với dự kiến. Những tháng cuối năm nếu nhập siêu có tăng thêm thì khả năng là “đạt chỉ tiêu” chứ không gây ra những lo ngại như năm 2008.

Nhập siêu là do chi ngoại tệ để nhập khẩu cao hơn so với số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu hàng hóa. Nhưng chúng ta có thể bù đắp số ngoại tệ thiếu hụt này bằng các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển. Chỉ riêng kiều hối trong năm 2009 dự kiến là 6 tỉ USD...

* Nhưng thực tế một bộ phận doanh nghiệp không thể tiếp cận ngoại tệ, phải chăng đó là hệ quả của việc kiểm soát nhập siêu hay do thiếu hụt ngoại tệ?

- Về cơ bản, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thiết yếu vẫn có đủ ngoại tệ để nhập khẩu. Có thiếu ngoại tệ cục bộ là doanh nghiệp găm giữ do kỳ vọng tỉ giá còn lên nên ngân hàng (NH) không đủ ngoại tệ bán cho doanh nghiệp,  NH có ngoại tệ để cho vay nhưng doanh nghiệp lại không muốn vay. Tình trạng này cũng do chúng ta đang đặt mục tiêu kiểm soát nhập siêu, khuyến khích dân chúng sử dụng hàng nội địa để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Vì thế có một bộ phận doanh nghiệp nhập khẩu hàng xa xỉ phải tự cân đối ngoại tệ, khó mua USD của NH. Các doanh nghiệp này chạy vạy, kể cả mua từ bên ngoài làm đẩy giá USD tại thị trường tự do tăng cao, từ đó càng củng cố kỳ vọng tỉ giá sẽ còn tăng.

Theo tôi, các doanh nghiệp này thay vì thực hiện một số biện pháp không được pháp luật cho phép như mua ngoại tệ từ thị trường tự do, mua ngoại tệ quá giá quy định... thì có thể vay USD của NH. Hiện lãi suất vay USD đã giảm chỉ còn 3%, mức khá thấp.

Diễn biến tỉ giá USD do ngân hàng niêm yết từ đầu năm đến nay
Đồ họa: V.Cường

* Thưa ông, vì sao tỉ giá được quản lý từ NH Nhà nước nhưng lại có tình trạng bán quá giá?

- Từ 1-7, NH Nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra, trong đó có nội dung về quản lý ngoại hối. NH Nhà nước đã có kinh nghiệm trong việc xử lý chấn chỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực NH, như đợt kiểm tra chấp hành trần lãi suất cho vay mà trong đó đã có một số giám đốc NH bị xử lý, kể cả cách chức. Tôi được biết đợt này cũng sẽ làm kiên quyết như thế. Theo tôi, trước hết phải chấn chỉnh để đảm bảo mọi đối tượng chấp hành nghiêm pháp luật về ngoại hối, sau đó mới tính đến các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường.

* Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng tỉ giá còn tăng khi cho rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ để ngăn đà suy giảm của xuất khẩu thông qua tỉ giá và nguy cơ lạm phát trở lại, ông nghĩ sao?

- Xuất khẩu giảm là do nhu cầu thế giới giảm chứ không phải do chính sách tiền tệ. Vì vậy không nên hỗ trợ xuất khẩu bằng cách tăng tỉ giá mà thông qua xúc tiến thương mại và biện pháp khác. Về nguy cơ lạm phát, đến thời điểm này là không đáng lo. Sáu tháng, lạm phát chỉ 2,68%, trong khi chỉ tiêu là kiểm soát lạm phát dưới 10%. Vì vậy, khả năng lạm phát trở lại ảnh hưởng đến tỉ giá là không cao.