“Nhiều khả năng Nhật sẽ tăng ODA dành cho Việt Nam”

Thưa Đại sứ, đâu là những vấn đề song phương dự kiến sẽ được hai Thủ tướng thảo luận trong chuyến thăm này?

Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso vào ngày 22/5, dự kiến, hai bên sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề thương mại, đầu tư song phương cũng như hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Đối với vấn đề thương mại, dự kiến hai nước sẽ đề cập việc đẩy nhanh quá trình đưa Hiệp định EPA (Hiệp định Đối tác kinh tế được hai nước ký kết tháng 12/2008) vào thực hiện.

Hiện tại phía Nhật Bản đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định và chúng tôi hy vọng, công việc này sẽ hoàn tất vào tháng 6 tới.

Trong khả năng sớm nhất, Hiệp định sẽ có hiệu lực từ cuối mùa hè này, vì sau khi công hàm trao đổi được phê chuẩn, hai nước sẽ cần khoảng 1 tháng rưỡi để đưa ra và ra soát các quy định hướng dẫn thực hiện Hiệp định.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, tôi được biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quan tâm tới việc mời gọi thêm đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đồng thời mong muốn Chính phủ Nhật Bản có thêm các biện pháp khuyến khích các DN Nhật Bản đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện tại, nền kinh tế Nhật Bản và Việt Nam đều đang gặp những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vì vậy, việc các nhà đầu tư Nhật Bản cẩn trọng hơn trong đầu tư ra nước ngoài là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục và các DN Nhật Bản sẽ sớm đẩy mạnh việc tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam.

Về vấn đề hợp tác phát triển, tiếp nối chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hồi tháng 4 vừa qua, dự kiến trong chuyến thăm lần này, hai Thủ tướng sẽ thảo luận về việc lựa chọn các dự án phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) ưu tiên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có thể sẽ yêu cầu phía Nhật Bản sớm gia tăng hỗ trợ ODA cho các dự án CSHT ở Việt Nam.

Đại sứ đánh giá thế nào về khả năng Nhật Bản sẽ gia tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam thời gian tới?

Tôi cho rằng, khả năng này là rất có triển vọng vì hai lý do. Thứ nhất, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về phát triển cơ sở hạ tầng. Việc cải thiện CSHT không chỉ tốt cho Việt Nam mà còn tăng cường quan hệ kinh tế đầu tư giữa hai nước. CSHT tốt cũng sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài khác tại Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua việc tăng thêm 20 tỷ USD để hỗ trợ các nền kinh tế châu Á vượt qua khủng hoảng.

Vì kinh tế Nhật đang gặp khó khăn và các nền kinh tế ngày nay có sự phụ thuộc lẫn nhau, nên chúng tôi cho rằng, việc hỗ trợ các nền kinh tế châu á trong lúc này là rất cần thiết.

Việt Nam là một trong nước ưu tiên nhận ODA của Nhật và cũng là ưu tiên nhận hỗ trợ để hồi phục kinh tế, vì vậy có nhiều khả năng Nhật sẽ tăng ODA dành cho Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản và đầu tư của Nhật Bản trong 4 tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu suy giảm so với cùng kỳ năm 2008. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để các hoạt đông hợp tác kinh tế giữa hai nước sớm hồi phục?

Thực tế, tôi không cảm thấy lo ngại lắm về hoạt động thương mại giữa hai nước, vì tuy bị ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật vẫn khá tốt và nhập khẩu từ Nhật cũng giảm không nhiều.

Tôi cho rằng, hoạt động thương mại giữa hai nước trong năm 2008 tăng trưởng mạnh vì giá thế giới đặc biệt là giá dầu năm 2008 khá cao.

Năm nay, giá nguyên vật liệu và giá dầu của thế giới giảm, vì vậy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước giảm là điều khó tránh khỏi. Vì vậy tôi cho rằng, không có những yếu tố để bi quan về quan hệ thương mại giữa hai nước.

Về hoạt động đầu tư, đúng là trong những tháng đầu năm ít dự án đầu tư mới cũng như không có những dự án lớn của Nhật vào Việt Nam, ngoại trừ dự án sản xuất thép của Sumitomo Material ở Bà rịa- Vũng Tàu.

Tuy số dự án mới của nhật Bản giảm, nhưng có một điều rất đáng chú ý là rất nhiều DN Nhật Bản có mặt tại Việt Nam đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điển hình là Công ty Nakashima Propeller vừa qua đã quyết định xây dựng nhà máy thứ 2 ở Việt Nam và một số DN trong lĩnh vực dịch vụ như Daiso, Itochu đã mở rộng mạng lưới kinh doanh của họ tại Việt Nam.

Về giải pháp, tôi cho rằng, việc nhanh chóng đưa Hiệp định EPA vào thực hiện sẽ là lực đẩy quan trọng nhằm tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.

Bên cạnh đó, việc nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho nông sản, thuỷ sản của Việt Nam sẽ giúp gia tăng xuất khẩu Việt Nam vào Nhật Bản.