Nhiều rào cản trong đầu tư vào nông nghiệp

Gần 40% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn
 
Theo một cuộc điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015 với tên gọi "Nhận diện doanh nghiệp nông nghiệp qua điều tra PCI" thực hiện trên 685 doanh nghiệp đã cho thấy, đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực cần vốn lớn, rủi ro cao nhưng lợi nhuận lại không được như kỳ vọng.
 
Theo đó, có tới 22% số doanh nghiệp trả lời bị thua lỗ, 13% hòa vốn và 4% thua lỗ nặng. Như vậy, có tới gần 40% doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh thua lỗ và hòa vốn. Chỉ 9% doanh nghiệp có lãi như kỳ vọng; còn lại hơn 50% lãi rất thấp.
 
Tại một cuộc thảo gần đây về những rào cản kinh doanh trong nông nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho hay, đầu tư vào nông nghiệp thực sự không dễ dàng vì cần nguồn vốn lớn trong khi tỷ suất lợi nhuận thấp và tương đối rủi ro nên kén nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đây là hình thức đầu tư dài hạn, trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với các khoản vay có thời hạn ngắn, lãi suất biến động.
 
Cũng theo điều tra trên, 80% doanh nghiệp nông nghiệp cần tới mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn mức trung bình của cả nước là 75%; và 68% số doanh nghiệp nông nghiệp cho hay họ thường xuyên phải chi trả các loại phí không chính thức, cao hơn mức trung bình của cả nước, vào khoảng 65%.
 
Không những vậy, khả năng hiểu biết về hội nhập của doanh nghiệp nông nghiệp cũng rất thấp khi có gần 50% nói rằng có nghe qua về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng không biết sâu; gần 60% không rõ về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU; hơn 50% không biết nhiều về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan….
 
Theo phân tích của ông Đậu Anh Tuấn tại hội thảo trên, các nước thường bảo hộ tài sản, quyền hợp đồng một cách toàn vẹn, lâu dài. Các biện pháp khác như ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường chỉ là bước thứ hai sau khi đã đảm bảo quyền tài sản và quyền hợp đồng. Trong khi đó, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, quyền tài sản và quyền hợp đồng vẫn chưa được đảm bảo, trong khi đó lại quá chú trọng vào các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, định hướng thị trường, thậm chí làm thay thị trường.
 
Hiện nay, rất nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp đang quản lý bằng quy hoạch, đây là sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào thị trường, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh và gây nguy cơ lãng phí, nhũng nhiễu, tiêu cực, tình trạng “vỡ quy hoạch” diễn ra thường xuyên.
 
Ngoài ra, hạn điền cũng như quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cũng làm tăng chi phí sản xuất, khiến chất lượng sản phẩm không đồng đều, tăng rủi ro cho chủ đầu tư và giảm động lực đầu tư dài hạn
 
Về hợp đồng nông nghiệp (contract farming), hiện nay chưa có thể chế pháp lý tốt để bảo vệ quyền hợp đồng của nhà đầu tư và nông dân. Điều này dẫn tới tình trạng "bẻ kèo" giữa hai bên khi giá nông sản lên xuống thất thường.
 
Do đó, ông Tuấn kiến nghị, cần phải bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm và chỉ giữ lại các quy hoạch liên quan tới hạ tầng do nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, cần mở rộng và tiến tới xóa bỏ hạn điền, kéo dài thời gian sử dụng đất nông nghiệp hoặc quy định cụ thể về việc tiếp tục sử dụng đất sau khi hết thời hạn; hạn chế các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp…
 
68,75% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
 
Điều tra mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) về thương mại hóa giống cây trồng, giống vật nuôi và máy móc nông nghiệp, cho thấy quy trình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng rất phức tạp và tốn nhiều thời gian.
 
Theo đó, để một giống cây trồng được cung ứng ra thị trường phải bao gồm các bước như: nghiên cứu khảo nghiệm diện hẹp tại cơ sở; đăng ký thủ tục khảo nghiệm, sản xuất thử và xét công nhận chính thức; đăng ký bảo hộ và đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Sau các bước trên, doanh nghiệp có hai lựa chọn là nhượng quyền sở hữu cho đơn vị khác; hoặc sản xuất giống thương mại để cung ứng ra thị trường.
 
Theo Ipsard, quy trình như trên là rất phức tạp, mất từ trên 3 năm đến 5 năm cho cây ngắn ngày và 5-6 năm cho cây dài ngày. Trong khi các nước trong khu vực chỉ mất lần lượt khoảng 2-3 năm và 3-4 năm.
 
Bên cạnh đó, việc quy định về diện tích sản xuất thử nghiệm cũng không hợp lý, gây tốn kém cho doanh nghiệp, chẳng hạn sản xuất thử phải cần từ 10-40 tấn giống ngô lai hoặc 15-60 tấn lúa lai khiến doanh nghiệp phải gánh khoảng chi phí từ 1-6 tỉ đồng.
 
Đối với lĩnh vực kinh doanh máy nông nghiệp, hiện nay có rất nhiều hệ thống văn bản liên quan để khuyến khích phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp. Song doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận được những chính sách này vì chính sách không cụ thể, các tiêu chuẩn để được hỗ trợ lại quá cao…
 
Cũng theo khảo sát thực địa đối với 3 lĩnh vực giống cây trồng, giống vật nuôi và máy nông nghiệp của Ipsard, những vấn đề khó khăn chính mà các doanh nghiệp nông nghiệp gặp phải là: đất đai, thuế và phí, vốn, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, tiếp cận thị trường và phân phối hàng hóa, tính minh bạch của thị trường, đăng ký đơn vị khoa học công nghệ và tiếp cận chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, và lao động.
 
Trong đó, vấn đề về vốn gây nhiều vướng mắc nhất, với 68,75% các doanh nghiệp đánh giá đây là vấn đề khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp đến là vấn đề về thuế và phí; cơ sở hạ tầng và dịch vụ, chiếm gần 35%.
 
“Vấn đề thuế và phí hiện nay cũng khá nhức nhối khi các loại phí còn cao, hoặc phức tạp. Đơn cử trường hợp một con gà hay quả trứng phải cõng nhiều loại phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch”, trích báo cáo của Ipsard.