Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn bên lề Hội thảo “Cam kết về mua sắm Chính phủ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) diễn ra tại Hà Nội sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế,Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có rất nhiều thay đổi trong pháp luật về đấu thầu khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực với Việt Nam vào năm 2018. Tuy nhiên, cũng có nhiều nội dung nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của TPP gồm: Mua/thuê đất, bất động sản; thỏa thuận về hỗ trợ, khoản vay, bảo lãnh, trợ cấp; các gói thầu ODA mà nhà tài trợ có quy định về đấu thầu, các gói thầu liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Cũng theo ông Tuấn, sẽ có nhiều thay đổi trong việc lựa chọn nhà thầu khi TPP có hiệu lực. Trong đó, một trong những thay đổi căn bản là các thành viên tham gia TPP sẽ không căn cứ vào nguồn vốn và sẽ dựa vào chủ thể mua sắm, hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm và ngưỡng giá gói thầu để điều chỉnh hợp đồng.
Để đẩy nhanh quá trình minh bạch thông tin về đấu thầu, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, các thông báo mời thầu sẽ được đăng tải miễn phí trên phương tiện điện tử, các thông tin, yêu cầu cụ thể về gói thầu cũng sẽ chi tiết hơn so với yêu cầu của pháp luật hiện nay; quy định cụ thể về thời gian đấu thầu và tổ chức đấu thầu qua mạng. Đổi lại, các nhà thầu cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp của các thành viên tham gia TPP. Một số trường hợp nhà thầu sẽ bị loại nếu cơ quan mua sắm có bằng chứng về khả năng phá sản, không trung thực hoặc trốn thuế.
Chỉ ra sự khác biệt giữa quy định của TPP về mua sắm Chính phủ so với pháp luật về đấu thầu của Việt Nam ở thời điểm này, ông Mai Lâm, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) cho biết, khi TPP có hiệu lực, việc lựa chọn nhà thầu sẽ chỉ có 3 hình thức là: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu (so với 7 hình thức mà Luật Đấu thầu hiện nay quy định). Trong đó, quy định lựa chọn nhà thầu bằng quy định hạn mức được chỉ định thầu sẽ không còn.
Cũng theo ông Lâm, khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận nguyên tắc không áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước (offset) như: nhà thầu nước ngoài khi trúng thầu phải mua hàng của Việt Nam, dùng nhà thầu phụ, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có một khoảng thời gian 10 năm trước khi các biện pháp ưu đãi trong nước bị bãi bỏ.