Nông nghiệp hóa các khu công nghiệp
Không nhà máy
Năm 2009, KCN Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) được cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập, diện tích 150ha, thuộc địa bàn hai xã Quảng Vinh và Quảng Lợi. Với chỉ dẫn địa lý chi tiết trên website của Ban Quản lý các KCN tỉnh, nhưng sau 3 năm thành lập, nếu không có cán bộ địa phương đưa đường, khó có ai biết KCN Quảng Vinh nằm ở đâu.
Mang danh KCN, nhưng cả vùng chưa hề có bất kỳ nhà máy hay các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, cấp nước, hệ thống xử lý chất thải. Làm kinh tế trang trại trong KCN này như nhiều hộ lân cận, chị Đinh Thị Cúc (xã Quảng Vinh) phấp phổng bám trụ trên đất quy hoạch công nghiệp mà chưa biết phải ra đi lúc nào.
“Hơn 10 năm trước, huyện khuyến khích dân ra cải tạo vùng đất hoang lập trang trại. Nay kinh tế dần khá lên thì nghe đâu phải ra đi. Muốn đầu tư mô hình sản xuất mới cũng không dám”, chị Cúc nói.
Nhìn quanh, cơ ngơi nhà chị Cúc cũng không đến nỗi nào. Trang trại rộng hơn 3,5ha, với cây lâm nghiệp xen hoa màu hàng hóa, thêm một đàn bò hơn 30 con, mỗi năm sinh lãi trên 50 triệu đồng. Dải cát hoang cháy mặt một thuở nay đã thành những trang trại ổn định, nhưng KCN Quảng Vinh mới được nằm trên giấy thì chưa biết ngày nào có nhà máy, xí nghiệp.
Tương tự phía bắc tỉnh, tại vùng nam TT- Huế, huyện nào cũng có KCN. Ngoại trừ KCN trọng điểm Phú Bài (thị xã Hương Thủy) ra đời hơn 20 năm trước, thu hút nhiều nhà đầu tư, thì tại 2 KCN “sinh sau” là Phú Đa (huyện Phú Vang) và La Sơn (xã Lộc Sơn, Phú Lộc) chỉ có vẻn vẹn 2 nhà máy, hạ tầng thiết yếu gần như là con số 0. Trái với khu cát hoang Phú Đa, KCN La Sơn lọt giữa bạt ngàn cây rừng, nơi đây là nguồn sống bền vững của hơn 200 hộ lâm dân xã Lộc Sơn.
KCN thành ruộng sắn
Đầu năm 2011, hàng trăm hộ dân huyện Phong Điền ồ ạt kéo vào trồng sắn tại KCN Phong Điền, do phần lớn đất công nghiệp ở đây để trống. Giá sắn nguyên liệu làm tinh bột lúc đó cũng đột nhiên tăng ngất ngưởng. Nông dân cho rằng, họ chưa được đền bù nên có quyền canh tác trên đất của mình. Tuy nhiên, khi diện tích sắn mở rộng đến 50 ha, UBND thị trấn Phong Điền ra lệnh dừng sản xuất, lập biên bản hiện trạng sử dụng đất theo chỉ đạo của trên.
Ông Nguyễn Hải, trưởng thôn Trạch Tả (thị trấn Phong Điền), nói: “Đất trồng sắn được dân sử dụng nhiều năm, từng chuyển đổi qua các loại cây trồng khác nhau như mía đường, hoa màu, cây lâm nghiệp. Khi quy hoạch thành KCN, dân đã ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy giải tỏa, xây nhà máy, dân lo đất để hoang lâu ngày thành diện vắng chủ, sau này không được đền bù, nên đua nhau cải tạo để trồng sắn”. Trước tình trạng “sắn hóa” KCN Phong Điền, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: “Dân không bị cấm sản xuất gì cả. Nhưng nếu họ xin chuyển đổi hệ cây trồng từ lâm nghiệp sang nông nghiệp là không được.
Hiện tại, KCN Phong Điền (huyện Phong Điền) chỉ có 2 nhà máy, hạ tầng thiếu thốn đủ bề, nhưng được điều chỉnh mở rộng quy hoạch từ 400 ha lên 700 ha, gồm đất của thị trấn Phong Điền và các xã Phong Hòa, Phong Thu. Phạm vi quy hoạch “treo” vì thế ngày càng phình to.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, các KCN chậm thu hút nhà đầu tư do công tác quảng bá chưa mạnh, tỉnh chưa có chính sách ưu đãi đầu tư riêng cho KCN.
Có một vòng luẩn quẩn cứ tồn tại quanh các KCN tỉnh TT- Huế.