Phát hiện một “Vedan” tại Vũng Tàu
Công ty này cũng bị Đoàn thanh tra Ban quản lý các Khu công nghiệp phát hiện sơ chế sản phẩm hải sản – một hoạt động bị cấm thực hiện trên địa bàn TP. Vũng Tàu và các KCN.
Chỉ cho "tinh chế" nhưng vẫn "sơ chế"
Trong 2 ngày 28 và 29-9, Đoàn Thanh tra Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã thanh tra đột xuất Công ty TNHH Thực phẩm Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Tại đây, đoàn đã phát hiện sai phạm lớn là Công ty thực hiện sơ chế hải sản trái với quy định của Giấy chứng nhận đầu tư về ngành nghề kinh doanh và mục tiêu dự án.
Trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp lần 2 ngày 10-3-2009, thì mục tiêu và quy mô dự án Công ty TNHH Thực phẩm Việt gồm: Sản xuất bánh nướng nhân hải sản quy mô 8 triệu bánh/năm (tương đương 200 tấn); tinh chế đóng gói hải sản xuất khẩu quy mô 650 tấn/năm; kho lạnh cấp đông bảo quản sản phẩm. Trong nội dung đăng ký kinh doanh ghi rõ doanh nghiệp không được thực hiện việc sơ chế hải sản trong các khu công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngay trong quy trình sản xuất, Công ty cũng ghi rõ: Nguyên liệu đầu vào (đã qua sơ chế). Thế nhưng, khi đến tận nơi sản xuất kiểm tra đoàn đã chứng kiến tận mắt 30 công nhân của nhà máy đang bóc vỏ, đầu tôm. Kiểm tra 14 thùng nguyên liệu đầu vào thì phát hiện mỗi thùng chứa khoảng 500 kg bạch tuộc còn nguyên con đang ngâm nước muối. Ngoài ra, các thanh tra viên còn phát hiện phía sau xưởng sản xuất, khoảng 20 bao đầu và vỏ tôm chưa được thu gom và xử lý. Tại khu phế liệu cũng phát hiện đầu và vỏ tôm.
Khi kiểm tra hợp đồng và hóa đơn mua bán nguyên liệu, đoàn thanh tra phát hiện hợp đồng không ghi rõ việc mua hải sản đã sơ chế. Một số hóa đơn mua hải sản cũng không ghi rõ nguyên liệu đã sơ chế.
Có nhà máy xử lý - Nước thải vẫn "dư
Công ty TNHH Thực phẩm Việt đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đưa vào hoạt động từ khi nhà xưởng bắt đầu sản xuất (tháng 4 – 2009) nhưng chưa nghiệm thu. Hệ thống này có công suất 150m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty, lượng nước sử dụng cho hoạt động sản xuất là 190m3/ngày đêm (Theo báo cáo của Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ I (IZICO) thì lượng nước máy cung cấp cho Công ty TNHH Thực phẩm Việt trung bình là 240m3/ngày đêm). Chỉ theo báo cáo của doanh nghiệp, thì mỗi ngày đêm đơn vị này đã thải ra vượt tiêu chuẩn khoảng 40m3, lượng nước thải.
Kiểm tra khu vực xây dựng hệ thống xử lý nước thải đoàn đã phát hiện một hệ thống ống ngầm 60 được đấu nối với ống 114 đang xả nước thải ra môi trường không qua hệ thống xử lý. Đây chính là lời giải cho bài toán ‘thừa” 40m3 nước/ngày đêm kể trên.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh (PC36), một thành viên trong đoàn thanh tra tính toán: Chỉ cần ống xả này hoạt động thường xuyên, thì lượng nước thải xả thẳng có thể lên tới 200m3/ngày đêm, chỉ cần khóa van, không vận hành hệ thống xử lý nước thải nội bộ, thì toàn bộ nước thải của nhà máy được xả trực tiếp ra bên ngoài. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn phát hiện một đường ống khác trên nóc bể chứa có một đầu dẫn vào hồ xử lý vi sinh, một đầu xả thẳng vào đường mương thoát nước ra môi trường. Tại đây, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một thanh tra viên cho biết, một số doanh nghiệp kề cận Công ty TNHH Thực phẩm Việt đã có đơn kiến nghị về tình trạng mùi hôi này ảnh hưởng đến môi trường làm việc của họ.
Một điều đáng chú ý nữa là từ khi hệ thống xử lý nước thải này hoạt động, doanh nghiệp chưa một lần thực hiện việc thu gom bùn, chất thải rắn sau lắng đọng. Vậy lượng bùn lắng này đi đâu? So sánh thiết kế hệ thống xử lý nước thải do Công ty TNHH Tân Huy Thành thực hiện cho Công ty TNHH Thực phẩm Việt cho thấy, có nhiều hạng mục xây dựng không đúng thiết kế. Thực tế không có bể phân hủy bùn. Song chắn ở bể thu gom đầu tiên chỉ có thể cản được những loại rác thải lớn, không có khả năng tách mỡ. Như vậy, chỉ có một cách lý giải, đó là rác và bùn được ‘tống” thẳng ra môi trường bên ngoài.
Điều đáng ngạc nhiên là, ông Trần Xuân Nhật, Phó Giám đốc Công ty lại cho biết, ông hoàn toàn không biết gì về hệ thống xả thải “chui” này. Đó hoàn toàn là do thiết kế và thi công của Công ty TNHH Tân Huy Thành. Hiện Công ty vẫn chưa nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải nội bộ kể trên. Tuy nhiên, theo lời kể của người trực tiếp vận hành hệ thống nước thải này (thuộc công ty Tân Huy Thành), thì Công ty TNHH Tân Huy Thành thiết kế, nhưng Công ty TNHH Thực phẩm Việt tự xây dựng. Công ty Tân Huy Thành chỉ lắp đặt thiết bị cuối cùng. Còn đường ống “xả chui” kể trên đã có ngay khi xây dựng công trình.
Cũng về lĩnh vực môi trường, Đoàn thanh tra phát hiện thêm nhiều tình tiết khác ở Công ty TNHH Thực phẩm Việt, như: Không thực hiện giám sát môi trường theo định kỳ; chưa kê khai và nộp phí môi trường; chất rắn sinh hoạt và chất rắn công nghiệp thông thường không được thu gom triệt để; chất thải nguy hại chưa được thu gom lưu giữ theo quy định.
Đoàn thanh tra đã yêu cầu doanh nghiệp bịt kín 2 đầu ống có thể xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và lấy mẫu nước thải đầu ra để xét nghiệm. Đại diện Đoàn thanh tra cho biết, sẽ có mức xử lý vi phạm nghiêm khắc vì không thể để một “Vedan” ở ngay cửa ngõ thành phố biển Vũng Tàu.