Phát triển đặc khu: Tránh "ngoại lệ trong cái thông thường"
Đường đã mở cho việc phát triển các đặc khu kinh tế (ĐKKT), hành chính của Việt Nam, khi mà Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2014 đã quy định Quốc hội có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt.
Đây là khung pháp lý được cho là vô cùng quan trọng cho việc hình thành các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, với thể chế, chính sách vượt trội.
Và thực tế là, theo thông tin từ Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có những đề xuất ban đầu về việc thành lập ba ĐKKT, hành chính ở ba miền Bắc - Trung - Nam, là Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc.
Trong đó, Đề án thành lập và phát triển ĐKKT Vân Đồn đang được xem xét, thẩm định.
Theo dự kiến, cả ba đặc khu trên sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính…, dựa trên các lợi thế cả tĩnh và động, như hạ tầng sẵn có của các khu kinh tế, cảng nước sâu, là trung tâm trung chuyển…
“Chúng ta phát triển các đặc khu là để tạo ra một không gian, nhằm thu hút đầu tư bằng thể chế kinh tế, hành chính đặc biệt. Nếu như các khu kinh tế chỉ thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi về kinh tế, thì ở đặc khu, sẽ có những cải cách rất mạnh về thể chế”, nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự đồng thuận với các đề xuất này, bởi thực tế, dù có những ưu đãi thuộc diện cao nhất hiện nay, nhưng quá trình thu hút đầu tư vào các khu kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là ở Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Không chỉ là lượng vốn đầu tư chưa đủ lớn, mà ngay cả các tên tuổi lớn trên thế giới cũng ít chọn ba địa điểm trên là điểm đến.
“Đã gọi là đặc khu thì cần phải có những thể chế ở tầm tốt nhất thế giới. Không thể phát triển ĐKKT theo kiểu chỉ tốt hơn một chút so với khu kinh tế hiện tại”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, phải có một sự thay đổi rất lớn về tư duy, thì mới có thể xây dựng thành công các ĐKKT.
“Lâu nay, chúng ta xây dựng khu kinh tế theo kiểu xây dựng một ngoại lệ trong cái thông thường. Tức là trong một thể chế thông thường như hiện nay, chúng ta đưa vào đó những ưu tiên, ưu đãi mang tính chất ngoại lệ, nhưng không vượt qua cái thông thường. Bây giờ, phải xây dựng một thể chế mới, đặc biệt, vượt khỏi cái thông thường để phát triển ĐKKT”, ông Cung nói.
Trên thực tế, Việt Nam đã phát triển Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo từ năm 1979. Tuy nhiên, 12 năm sau, vào năm 1991, lại thiết lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mô hình ĐKKT ở Việt Nam tạm dừng ở đó.
Trong khi đó, trên thế giới và trong khu vực, khá nhiều ĐKKT đã được xây dựng và phát triển thành công. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Quốc gia này đã đặc biệt thành công với ĐKKT Thâm Quyến, để biến một làng chài nhỏ thành một trung tâm kinh tế hàng đầu và một đô thị lớn ở Trung Quốc sau hơn 30 năm. Hơn 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đổ vào Đặc khu này trong hơn 3 thập kỷ phát triển và sự phát triển của Thâm Quyến thậm chí còn được coi là một “điều kỳ diệu trên thế giới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa”.
Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có thể học hỏi được những gì từ mô hình như Thâm Quyến? Có thể chế, chính sách vượt trội là điều đã được nhắc đến. Thậm chí, theo GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, để có thể cạnh tranh được, thì các cơ chế, chính sách, thể chế của các ĐKKT ở Việt Nam còn phải hấp dẫn hơn cả các quốc gia trong khu vực.
“Nếu chỉ ngang bằng, thì không cạnh tranh được với họ. Chúng ta phải có một thể chế cao hơn thì mới thu hút được đầu tư”, ông Lược nhấn mạnh.
Không chỉ phát triển bằng thể chế, chính sách kinh tế vượt trội, trên một khía cạnh khác, theo một vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải có được các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các đặc khu này.
“Phải có những nhà đầu tư chiến lược, họ vào phát triển hạ tầng cơ sở, có quan hệ tốt với các nhà đầu tư thứ cấp khác để thu hút đầu tư vào đây”, vị này nói và bày tỏ quan điểm rằng, nếu muốn phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với casino, thì Vân Đồn phải thu hút được các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này.
Hiện các tập đoàn Las Vegas Sand (Mỹ), rồi ISC (Australia)… đều đã bày tỏ mối quan tâm đến việc phát triển các khu nghỉ dưỡng phức hợp, có casino, với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD ở Vân Đồn. Song cho đến nay, chưa nhà đầu tư nào được lựa chọn.
“Để các đặc khu kinh tế có sức bứt phá và tạo sự lan tỏa, điều quan trọng đầu tiên là thu hút các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư này phải nằm trong nhóm 500 nhà đầu tư lớn mạnh nhất thế giới”, ông Lược nói.
Và để thu hút được đầu tư của các nhà đầu tư này, có lẽ, lại phải bắt đầu bằng thể chế, chính sách thực sự vượt trội. Chỉ có như vậy, ĐKKT mới có cơ hội thực sự để phát triển.