Phát triển DN bền vững: Cần hành động với tiêu chí cụ thể
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững” được tổ chức.
Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững doanh nghiệp, của cộng đồng cũng như của xã hội; Thúc đẩy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; Tăng cường trao đổi và hợp tác về phát triển bền vững giữa các bên có liên quan tại Việt Nam bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm thông qua các thực tiễn tốt trên thế giới về phát triển bền vững và hội nhập kinh tế; Thúc đẩy nhân rộng áp dụng bộ chỉ số bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi nhớ lại lần đầu tiên tổ chức diễn đàn vào năm 2014, ông đã chia sẻ về việc phải làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong năm đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Giờ đây, Nghị quyết 19 là nghị quyết hằng năm của Chính phủ, một trong những nghị quyết “dày nhất”, có đầy đủ nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Điều đó cho thấy việc xác định những công việc, tiêu chí cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong từng năm đối với mỗi ngành, mỗi DN, sản phẩm là rất quan trọng. Điển hình là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam hay số liệu gần 91.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong 10 tháng của năm 2016.
“Năm nay, Việt Nam công bố Báo cáo Việt Nam 2035 trong đó có nhiều nội hàm về phát triển bền vững mà hầu hết các nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần như đã rất đầy đủ. Vấn đề là phải hành động”, Phó Thủ tướng nói.
Trực tiếp “phỏng vấn” nhiều người thuộc các giới khác nhau trong xã hội, từ nhà hoạch định chính sách, đến giới trí thức và cả những người dân bình thường như tài xế taxi, bác xe ôm, Phó Thủ tướng chia sẻ, hầu như ai cũng biết đến 17 mục tiêu về phát triển bền vững nhưng ít người biết rằng có tới 169 tiêu chí cụ thể. Hay khi xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia có tới 114 tiêu chí cụ thể hoặc công bố mới đây của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về năng lực sáng tạo toàn cầu với 7 nhóm tiêu chí không liên quan nhiều đến Bộ KH&CN như nhiều người nghĩ.
“Nếu các DN dành thời gian lên mạng đọc 169 tiêu chí cụ thể của 17 mục tiêu phát triển bền vững sẽ thấy rất nhiều thứ liên quan đến mình. Đặc biệt, vào những ngày tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị trực tuyến với tất cả địa phương, bộ ngành để bàn làm sao cải thiện môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh, trên tinh thần hành động cụ thể, ai có trách nhiệm về cái gì, Nhà nước trách nhiệm việc gì, DN trách nhiệm việc gì, cộng đồng trách nhiệm việc gì…”.
Trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đang giữ nhiều chức vụ ở các cơ quan phối hợp liên ngành nhưng ông không yên lòng nhất là chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia vì phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như định nghĩa phát triển bền vững là làm sao đáp ứng nhu cầu ngày hôm nay, nhưng không được ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng nhu cầu của ngày mai.
Để làm được điều này, trước hết cần phải tạo không gian phát triển rộng lớn và thuận lợi cho các DN nhằm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực trên tinh thần “Nhà nước không ôm đồm những việc mà DN, xã hội làm tốt hơn”.
Lấy ví dụ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ bằng việc thuê Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam để tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bảo hiểm xã hội và đã tiết kiệm 70% chi phí so với việc trước đây sử dụng người trong bộ máy hành chính và BHXH, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Không chỉ dịch vụ công mà cả DN Nhà nước cũng không cần làm những việc không thực sự tối cần thiết.
“Có ý kiến cho rằng một loạt DN Nhà nước đang làm ăn có lãi, tại sao lại phải bán. Điều quan trọng mục đích của Chính phủ là thay đổi bản chất quản trị cũng như sứ mệnh của DN Nhà nước để phát triển bền vững chứ không phải kinh doanh kiếm tiền”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tương tự, trong vấn đề tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ để các đơn vị này tự chủ, hạch toán thu chi rõ ràng, để không còn bao cấp, không còn chủ quản, tương tự như đã làm với DNNN, qua đó sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lực phát triển.
“Muốn làm việc này thì gồm rất nhiều thứ. Đơn cử thị trường dịch vụ y tế, giáo dục đã mở ra cho DN và Chính phủ rất muốn các DN có năng lực, có ước muốn đầu tư thật vào các lĩnh vực này được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư, đặc biệt là đầu tư theo mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận. Thị trường còn rất lớn. Nếu chúng ta có một tầm nhìn dài hạn thì đây là những lĩnh vực đầu tư rất bền vững”, Phó Thủ tướng nói.