Phía sau 110.000 doanh nghiệp mới
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về con số kỷ lục này.
Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến số DN thành lập mới tăng kỷ lục trong năm 2016?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Xét tổng quan, 2016 là một năm khó khăn với nhiều biến động như thiên tai, giá cả, tình hình kinh tế chính trị thế giới nhiều bất ổn. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam năm 2016 đã có những dấu hiệu cải thiện, cả ở góc độ sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều đó cho thấy nội lực của nền kinh tế là khả quan, trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của các DN Việt Nam. Để có được điều đó, phải khẳng định dù còn khó khăn nhưng niềm tin của cộng đồng DN đối với môi trường kinh doanh đã được củng cố, DN nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường và khả năng hiện thực hóa cơ hội của DN đã cao hơn.
Xét ở góc độ đăng ký kinh doanh, theo tôi nhận định, niềm tin của DN thể hiện ở số lượng thành lập mới tăng cao, đặc biệt kể từ khi Luật DN, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành. Có thể nói, tinh thần cải cách của hai luật trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh, khích lệ ý chí khởi nghiệp, lập nghiệp của cộng đồng.
Từ năm 2015, số DN đã bắt đầu tăng cao ấn tượng với số DN thành lập tăng 26,6% và số vốn đăng ký mới tăng 39,1% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2016, tính đến 20/12, số DN thành lập đạt kỷ lục cao chưa từng có là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết và số DN quay lại hoạt động đều tăng.
Một điểm đặc biệt đáng chú ý là Chính phủ đã đưa ra thông điệp về “liêm chính, kiến tạo, hành động”. Cùng với đó là hàng loạt các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán từ Trung ương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN, khuyến khích khởi nghiệp.
Sự ra đời của các Nghị quyết 19, 35 cho thấy quyết tâm và tầm nhìn của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa. Tinh thần cải cách và những hành động cụ thể của Chính phủ thực sự đã có tác động lan tỏa, được cộng đồng đón nhận, hưởng ứng tích cực.
Tại địa phương, cơ quan quản lý các cấp cũng nỗ lực, chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cơ quan đăng ký kinh doanh đã lấy tinh thần “hỗ trợ, phục vụ” trong trao đổi, thực hiện các bước nghiệp vụ với DN, tạo nên sự thay đổi cơ bản về chất lượng dịch vụ hành chính công.
Như vậy, vai trò định hướng và những quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ là yếu tố then chốt tạo nên sự ổn định, minh bạch, bảo đảm tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm qua.
Theo bà, từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh, còn phải giải quyết những vướng mắc nào để đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Theo quy định của Luật DN 2014, thời gian để một DN thành lập, trở thành một tổ chức kinh tế có địa vị pháp lý là 3 ngày (rút ngắn từ 5 ngày vào thời điểm năm 2010). Hiện nay, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới của cả nước là 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký DN là 2,05 ngày. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, cơ quan đăng ký kinh doanh đã phối hợp với cơ quan thuế xây dựng quy định pháp lý về cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo mã số thuế tự động. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đẩy mạnh nâng cấp ứng dụng của Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký DN, cho phép cập nhật các quy trình pháp lý theo quy định mới, triển khai dịch vụ đăng ký DN qua mạng điện tử với hơn 100 quy trình được triển khai từ cấp độ 3 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 4.
Theo thống kê, tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử của cả nước trong năm 2016 đạt 14%, riêng Quý IV đạt 35,26%. Tại Hà Nội, tỷ lệ trong cả năm 2016 là 18%, riêng trong Quý IV là 51,15%. Còn tại TPHCM, tỷ lệ này đạt 25,37% trong cả năm 2016 và đạt 62,06% trong Quý IV.
Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ KH&ĐT đã xây dựng Đề án phí, lệ phí đăng ký DN với đề xuất miễn phí đăng ký DN khi thực hiện đăng ký trực tuyến. Đề xuất này đã được nhất trí đưa vào Thông tư 215/2016/TT-BTC về phí đăng ký DN sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Đây được coi là “điểm sáng”. Dự kiến tỷ lệ đăng ký DN trực tuyến năm 2017 sẽ đạt 30%, vượt xa chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử.
Cho đến nay, những vướng mắc của DN vẫn chủ yếu phát sinh do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật DN, Luật Đầu tư 2014 và các luật chuyên ngành khiến tinh thần cải cách của hai luật chưa được phát huy triệt để. Các vướng mắc này xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở và bất động sản, và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu xây dựng lực lượng DN hoạt động hiệu quả. Vậy chất lượng hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua ra sao, thưa bà?
Bà Trần Thị Hồng Minh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh thống kê về số lượng DN đăng ký, Cơ sở dữ liệu quốc gia về DN (CSDL) còn cung cấp các thông tin, dữ liệu liên quan do DN cung cấp tại hồ sơ đăng ký DN và thông qua lịch sử hoạt động của DN được ghi nhận từ hệ thống. Qua đó ghi nhận được việc thành lập, các thay đổi trong quá trình hoạt động (tăng, giảm vốn điều lệ, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, địa bàn hoạt động…) cũng như việc giải thể của DN.
Trên cơ sở đó, dữ liệu có thể tổng hợp được nhiều thông tin về xu hướng, ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh tập trung DN thành lập mới, địa bàn hoạt động của các DN, thời gian, vòng đời hoạt động của DN… Ví dụ như số liệu về vốn tại CSDL. Ngoài vốn thành lập mới, CSDL còn ghi nhận vốn mà DN đăng ký tăng để bổ sung vào hoạt động kinh doanh cũng tăng cao, lên tới 1,629 triệu tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn cam kết đưa vào thị trường trong năm 2016 đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng, tăng tới 73,5% so với năm 2015. Đây là dữ liệu thể hiện nguồn lực đã được huy động với mục đích đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với cơ quan thuế từ Trung ương đến địa phương tập trung thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu về DN. Đây là nhiệm vụ cần thiết nhưng cũng rất khó.
Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẵn sàng cung cấp số liệu, dữ liệu về DN hiện có cho các cơ quan quản lý nhằm thực hiện việc tổng hợp, phân tích, phục vụ mục đích nghiên cứu thị trường, xây dựng và đề xuất chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đưa các chính sách cho DN sát hơn với thực tế chuyển động của thị trường.