Quản lý HTX phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Kinh tế tập thể có tới 13,5 triệu thành viên, sử dụng tới 30 triệu lao động hiện đang được quản lý ra sao, thưa ông?
Theo Luật HTX năm 2012 thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về HTX nhưng cả Vụ HTX chỉ có hơn chục biên chế. Ngoài ra còn có 6 bộ khác cũng có chức năng quản lý đối với HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Mặc dù có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, nhưng hầu hết các bộ gần như buông lỏng quản lý, không thành lập tổ chức, thậm chí không bố chí nhân sự để quản lý, theo dõi, hỗ trợ kinh tế tập thể ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn trong đó Phòng HTX chỉ được bố trí… đúng 3 nhân sự nhưng phải làm rất nhiều việc khác, phần làm chuyên về HTX chỉ chiếm 10% công việc.
Còn ở địa phương, biên chế dành cho công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể là con số không. Thế các nước trong khu vực quản lý kinh tế tập thể thế nào?
Indonesia có Bộ HTX, Malaysia có Bộ HTX và Bảo vệ người tiêu dùng, Thái Lan thành lập Cục Phát triển HTX với hơn 4.000 nhân viên và tổ chức theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương. Ở các nước phát triển khác như Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Canada… nước nào cũng có số lượng nhân viên chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hàng ngàn người.
Và đây chính là một trong những nguyên nhân vì sao HTX của các nước phát triển mạnh mẽ còn Việt Nam lại… lẹt đẹt?
Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể đã chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế, bộ máy phân tán, hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế tập thể vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỉ lệ đóng góp vào GDP không đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; còn có những biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.
Chính vì vậy Kết luận 56-KL/TW yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương, thưa ông?
Cụ thể là phải kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Trong cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển kinh tế tập thể và HTX. Còn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu để kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ông thì nên thành lập cơ quan quản lý kinh tế tập thể theo mô hình nào?
Tôi cho rằng nên thành lập ở mô hình tổng cục trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dưới tổng cục có cấp cục ở tỉnh, với những địa phương mà kinh tế tập thể phát triển có thể thành lập chi cục ở cấp huyện.
Quản lý nhà nước đối với kinh tế nhà nước theo Luật HTX năm 2012 có rất nhiều nhiệm vụ, ngoài ban hành, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về kinh tế tập thể; xây dựng bộ máy và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX, liên hiệp HTX… còn phải thanh tra, kiểm tra; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của HTX, liên hiệp HTX và của cá nhân, tổ chức có liên quan; thực hiện hợp tác quốc tế về phát triển HTX, liên hiệp HTX vì vậy chỉ thành lập tổng cục mới có thể thực hiện được nhiệm vụ.
Nhưng nhiều người lo ngại, thành lập tổng cục sẽ khiến biên chế tăng lên?
Ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có 6 bộ nữa có chức năng quản lý nhà nước đối với HTX nhưng không thành lập tổ chức riêng, thậm chí không bố trí nhân sự để làm việc này. Điều này có nghĩa là 6 bộ đã sử dụng biên chế đáng ra phải làm công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể để làm công việc khác. Vì thế, nếu bỏ chức năng quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể của 6 bộ sẽ giảm biên chế của 6 bộ, số biên chế này bổ sung cho tổng cục thì tổng số biên chế nhà nước không tăng.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu thành lập tổng cục ở Trung ương, cục ở cấp tỉnh và chi cục ở cấp huyện thì tổng số biên chế không quá 2.000 người, mới bằng 50% so với Thái Lan và vô cùng ít so với nhiều nước khác.