Quán triệt bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp
Kế hoạch năm 2010, Bộ Công Thương đã quán triệt công tác an toàn, bảo vệ môi trường và có những giải pháp khắc phục đối với vấn đề này.
Hiện nay, môi trường ở nhiều đô thị nước ta đang bị ô nhiễm do chất thải rắn và chất thải lỏng chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Trong đó khí thải, tiếng ồn, bụi... của nguồn giao thông nội thị và mạng lưới sản xuất quy mô vừa và nhỏ cộng với cơ sở hạ tầng yếu kém càng làm cho điều kiện vệ sinh môi trường lâm vào tình trạng báo động. Mức ô nhiễm về bụi và các khí thải độc hại cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Bên cạnh đó, môi trường các khu công nghiệp (KCN), các ngành hoá chất, luyện kim, xi măng, chế biến... cũng đang bị ô nhiễm do các chất thải rắn, nước thải, khí thải và các chất độc hại chưa được xỷ lý theo đúng quy định. Các cơ sở công nghiệp trong nước đầu tư với quy mô nhỏ, chưa quan tâm chú trọng đầu tư về khoa học và công nghệ trong sản xuất và xử lý các chất thải công nghiệp cũng như chưa có phương án xử lý hệ thống nước thải một cách triệt để, khoa học. Còn ít KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung... Hậu quả của việc Công ty Vedan gây ô nhiễm nặng nề môi trường sông Thị Vải, đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan phải chủ động tích cực hơn nữa, nhất là trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát phòng ngừa ô nhiễm, ngăn chặn mọi hành vi tương tự gây ô nhiễm môi trường đối với các KCN.
Năm 2010 là năm thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2010 và cũng là năm tiền đề của định hướng đến năm 2020. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 của ngành tài nguyên môi trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ngành tài nguyên – môi trường phải quán triệt sâu sắc việc bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành. Thủ tướng cũng cho biết: năm 2009, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, nhưng 3/5 chỉ tiêu về môi trường chưa đạt kế hoạch. Đó là: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch.
Năm 2010, tình hình tài chính thế giới được dự báo còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức nên cũng ảnh hưởng đến công tác an toàn và bảo vệ môi trường ngành công thương, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong các KCN. Các giải pháp mang tính cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng này đã được Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương đưa ra, đó là: Tăng cường công tác xây dựng và tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN cũng như công tác kiểm tra, an toàn đập các hồ chứa thuỷ điện; chấp hành các quy định của pháp luật về việc chấp hành bảo vệ môi trường để nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời phát huy năng lực quản lý về công tác môi trường đối với các DN để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với các KCN./
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị và KCN đã được quy định trong Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2010 – Định hướng đến năm 2020 như sau:
“Để duy trì chất lượng và cải thiện môi trường ở các đô thị và KCN lâu dài, cần xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch và thể chế hoá bằng các văn bản pháp quy: luật, nghị định, tiêu chuẩn, quy chế về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các thành phố loại I, loại II, các đô thị đông dân, KCN phải có các bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo đúng tiêu chuẩn. Thu gom và xử lý 90% chất thải rắn tại các đô thị và KCN, thu gom và xử lý100% chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện và quản lý 100% chất thải độc hại. Ðảm bảo ít nhất 60% thành phố đạt tiêu chuẩn về quy hoạch không gian, cảnh quan sinh thái.
Cần có cơ chế chính sách và biện pháp đồng bộ để xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang gây ô nhiễm nghiêm trọng về nước, không khí, và tiếng ồn.
Bằng nhiều biện pháp để xây dựng hoàn thành cơ bản cải tạo, cải thiện các hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước, các cơ sở vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố loại 2”.
|