Quảng Ngãi “đặt” dự án thép vào tay Hòa Phát

Khó thanh lý tài sản cho nhà đầu tư cũ
 
Tại văn bản gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn Hoà Phát tại KKT Dung Quất, Ban quản lý KKT Dung Quất cho biết, Tập đoàn Hoà Phát đã có văn bản chính thức đăng ký thay thế nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép trên khu đất thu hồi từ Dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất (Dự án Guang Lian) đang triển khai dở dang.
 
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn/năm, được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm thời gian hoạt động 70 năm. Sản phẩm chủ yếu giai đoạn 1 là 2 triệu tấn/năm sản phẩm dài: thép xây dựng, thép thanh vằn và thép cuộn chất lượng cao. Giai đoạn 2 là sản phẩm dẹt: thép cuộn cán nóng bề dày từ 1,2 mm đến 19 mm, khổ rộng từ 700 - 1.650mm.
 
Theo Ban quản lý KKT Dung Quất, dự kiến với doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm, Dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất. Dự kiến sẽ có khoảng 8.000 việc làm cho lao động địa phương tại đây.
Về ưu đãi, chính quyền địa phương cho rằng, là dự án quy mô lớn, do doanh nghiệp trong nước đầu tư, nên để tăng khả năng cạnh tranh, đề nghị áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm. Ngoài ra, Dự án cũng được đề nghị miễn tiền thuê đất tối đa là 18 năm.
 
Đối với phần đất sạch của Dự án Guang Lian trước đây đã được ngân sách bồi thường giải phóng mặt bằng (khoảng 203,5 tỷ đồng), Hoà Phát phải trả lại và được khấu trừ vào tiền thuê đất theo quy định.
 
Lý giải về việc đề xuất thép Hòa Phát tiếp quản nhà đầu tư cũ, Ban quản lý KKT Dung Quất cho rằng, sau khi có quyết định thu hồi 375 ha đất đã giao cho Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam và thực hiện thanh lý tài sản của dự án với tổng trị giá 266,5 tỷ đồng. Số tiền này, tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn trả cho nhà đầu tư cũ.
 
Vì vậy, với diện tích đất thu hồi kèm theo kinh phí phải hoàn trả cho Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam quá lớn, việc tìm kiếm nhà đầu tư mới để tiếp quản, tận dụng và sử dụng tài sản mua thanh lý tiếp tục triển khai dự án là điều hết sức khó khăn. Trong khi đó, nếu không có nhà đầu tư mới tiếp quản, thì tỉnh Quảng Ngãi cũng không có kinh phí để hoàn trả cho Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam để xử lý dứt điểm những tồn tại với dự án này.
 
Kỳ vọng từ năng lực thật của nhà đầu tư
 
Cũng theo Ban quản lý KKT Dung Quất, trong quá trình nhận định Dự án Guang Lian khó có thể  khởi động lại, đặc biệt kể từ khi thu hồi Dự án, Ban quản lý KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động và tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư mới để tiếp quản khu đất và mua tài sản thanh lý của dự án sớm giải quyết những tồn
tại của dự án và đưa quỹ đất đã thu hồi vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
 
Qua nhiều lần làm việc với Hòa Phát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Hòa Phát tiếp quản, mua tài sản thanh lý từ Dự án Nhà máy thép Guang Lian để tiếp tục thực hiện đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép trên khu đất thu hồi từ nhà đầu tư cũ.
 
UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, so với Dự án Guang Lian có diện tích sử dụng đất 504 ha, công suất 5 triệu tấn/năm, thì công suất của Dự án Nhà máy thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất nhỏ hơn, chủng loại sản phẩm ít hơn. Do vậy, việc đề nghị thỏa thuận diện tích đất cho Dự án Thép Hòa Phát từ 300 - 350 ha là hợp lý.
 
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu Tập đoàn Hòa Phát nhận chuyển nhượng Dự án Thép Guang Lian và giữ nguyên mục tiêu, quy mô công suất và diện tích sử dụng đất..., thì Dự án tiếp tục được hưởng ưu đãi đã được thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nếu sau khi nhận chuyển nhượng, Tập đoàn Hòa Phát tiến hành điều chỉnh Dự án thì ưu đãi sẽ thay đổi. “Cả hai trường hợp này đều phải xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”, UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý.
 
Nhận định về nhà đầu tư Hòa Phát, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, doanh nghiệp này có kinh nghiệm đầu tư và vận hành hiệu quả nhà máy luyện cán thép trong nhiều năm, bởi vậy khả năng huy động vốn của Tập đoàn Hòa Phát để triển khai dự án là khả thi.
 
Nhận định trên là hoàn toàn có căn cứ, khi công bố tài chính mới đây của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn đạt mức lợi nhuận kỷ lục là 4.650 tỷ đồng sau thuế; lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 145% lợi nhuận năm.
 
Đây là lần đầu tiên, Hòa Phát vượt mốc 4.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm. Trong đó, nhóm ngành sản xuất, kinh doanh thép bao gồm 2 sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng khá so với năm trước, với sản lượng xuất khẩu hơn 23.000 tấn sang các nước ASEAN, Australia.
 
Đề xuất được làm Dự án thép tại Dung Quất cho thấy, những nhận định trước đó của người đứng đầu HPG rằng, ngành hàng thép hiện vẫn chiếm trên 80% tổng lợi nhuận của toàn tập đoàn đang là hiện thực và đúng hướng. Bởi vậy, HPG đã thể hiện rõ ý định tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới trong ngành thép, trong đó có dự án tại Dung Quất.