Quảng Ngãi sẽ có cảng biển siêu sâu

Quảng Ngãi sẽ có cảng biển siêu sâu
Đây không những là tiền đề cho việc mở rộng khu kinh tế Dung Quất như chủ trương của Chính phủ mà còn là yêu cầu của các nhà đầu tư đang hướng đến các dự án lọc dầu, hóa dầu, luyện cán thép, nhiệt điện, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ tại khu kinh tế này.
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cho biết, trong quá trình mở rộng đưa diện tích khu kinh tế từ hơn 10.300 ha lên hơn 45.300 ha như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sẽ có nhiều dự án đầu tư lớn, như dự án tổ hợp luyện cán thép vốn 5 tỷ USD đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và nhà đầu tư đang lập báo cáo tiền khả thi, hay dự án nâng công suất nhà máy lọc dầu lên 8-12 triệu tấn/năm, dự án nhà máy nhiệt điện 2.400 MW.
 
Thuận lợi Mỹ Hàn
 
Cảng Dung Quất hiện nay gần như quá tải, và cách xa khu vực mở rộng nên vừa không đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào, vừa không thuận tiện cho các dự án lớn này khi đi vào sản xuất. Trong quá trình phát triển, khu kinh tế Dung Quất luôn có sự đồng hành của các nhà khoa học Viện Vật lý, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những người đã từng nghiên cứu đề xuất cảng nước sâu và Khu công nghiệp Dung Quất, lại tiếp tục nghiên cứu và đề xuất cảng biển siêu sâu mới này.
 
T.S Trương Đình Hiển, chủ nhiệm và là tác giả chính của dự án nghiên cứu chọn địa điểm xây dựng cảng biển mới cho biết: dựa trên các công trình nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên và tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Ngãi; trong đó đặc biệt là các nghiên cứu về chế độ khí tượng, thuỷ hải văn, đã được thực hiện trong nhiều năm qua, TS Hiển và các cộng sự đã đề xuất xây dựng thêm cảng biển mới cho Dung Quất tại vịnh Mỹ Hàn.
 
Đây là một vịnh sâu nằm ở huyện Bình Sơn (Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi), có cửa biển rộng 10,64 km. Toàn bộ diện tích của vịnh rộng tới 2.721 ha. Phần diện tích có độ sâu 10m-24m là 1.458 ha. Đáy vịnh là cát, trên vạch bờ chủ yếu là cát về phía núi Gò Nhãn và mũi Ba Làng An chủ yếu là bờ đá và dưới nước có đá ngầm.
 
Phần đất liền phía sau vịnh là cả một vùng rộng lớn bao gồm rải rác các đồi núi thấp từ vài chục mét tới trên 100 mét nằm xen kẽ giữa các ruộng lúa và vườn cây. Đây là vùng đất khá cao, cao độ trung bình khoảng 5-15 m.
 
Theo đường chim bay, từ cửa vịnh Mỹ Hàn đến đảo Lý Sơn (22 km), từ mũi Gò Nhãn đến mũi Co Co (Dung Quất) 14 km, từ An Sen (giữa bờ vịnh) đến Tp.Quảng Ngãi 20 km, đến QL.1A 11 km và đến sân bay Chu Lai 25 km. Mỹ Hàn nằm sát cạnh với đô thị mới Vạn Tường và nằm trong phạm vi mở rộng của khu kinh tế Dung Quất.
 
TS Trương Đình Hiển khẳng định: Mỹ Hàn có vịnh nước sâu và vùng đất đai rộng lớn, cao ráo, không bị ngập lụt đủ điều kiện phát triển một cảng biển có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn đến 300.000 tấn, và phát triển liền kề theo cảng các dự án đại công nghiệp như các nhà đầu tư kỳ vọng.
 
Không vượt quá tầm tay
 
Các tác giả của đề án xác nhận rằng: do có luồng tầu vào trực tiếp từ biển, nên các loại tàu có thể ra vào cảng tự do mà không phụ thuộc vào chế độ thuỷ triều. Vịnh có vị trí bị chắn bởi một loạt các núi đá nhô ra nên sự dịch chuyển phù sa do sóng đổ trong dãy sát bờ của các tiểu vòng cung Dung Quất, Việt Thanh, Nho Na, Mỹ Hàn bị đứt đoạn, tạo nên sự dịch chuyển hoàn toàn địa phương dưới tác động của gió và sóng theo các hướng. Vì vậy hầu như không có hiện tượng bồi lấp trong vịnh, không cần phải nạo vét thường xuyên.
 
Trong điều kiện có đê chắn sóng dài khoảng 4,5 km tại phía Bắc, hoặc đê chắn sóng dài 4 km tại phía Nam, thì chiều dài bến cảng có thể xây dựng và đưa vào hoạt động lên tới 10 km, công suất hàng qua cảng (kể cả dầu) có thể đạt mức 200 triệu tấn/năm.
 
Với chiều dài đê chắn sóng như vậy, theo TS Trương Đình Hiển, là ngắn hơn rất nhiều so với các đê chắn sóng cần thiết phải làm tại các cảng khác đang được triển khai như Nghi Sơn, Hiệp Phước.
 
Kinh phí cho việc đầu tư xây dựng đê chắn sóng này theo ước tính cũng chỉ vài trăm triệu USD, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng trên dưới 5% tổng vốn FDI dự kiến thu hút được vào khu kinh tế Dung Quất vào năm 2020. Với mức này khả năng huy động vốn từ chính các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án vào khu kinh tế Dung Quất là hoàn toàn khả thi, như nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế.
 
Đề án nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng cảng nước sâu mới tại khu vực vịnh Mỹ Hàn phục vụ cho việc mở rộng và phát triển khu kinh tế Dung Quất đến nay đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.
Vấn đề tên gọi của cảng mới này là Cảng Dung Quất II, Cảng Mỹ Hàn hay Cảng Vạn Tường cũng đang được không ít người quan tâm, trao đổi. Điều quan trọng là tất cả đã nhất trí cho việc hình thành một cảng siêu sâu đầu tiên cho Dung Quất và cũng là đầu tiên của cả nước.