Quy hoạch vùng nguyên phụ liệu da giày
Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) cho biết đang cùng Bộ Công thương phối hợp khảo sát ở cả ba vùng Bắc, Trung và Nam để tập hợp dữ liệu lập quy hoạch vùng nguyên phụ liệu cho ngành da giày.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Lefaso cho rằng chính vì chưa có một quy hoạch vùng nguyên phụ liệu mang tính tổng thể nên ngành da giày thời gian qua vẫn loay hoay với bài toán thiếu nguyên phụ liệu khiến các doanh nghiệp rất bị động trong sản xuất. Theo ông Kiệt, hiện quy hoạch vùng nguyên phụ liệu ngành da giày đang trong giai đoạn khảo sát và lấy ý kiến, dự kiến sẽ hoàn tất và được Bộ Công thương phê duyệt vào cuối năm nay.
Ông Kiệt cho biết hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp da giày lớn nhỏ, thu hút khoảng 600 ngàn lao động. Tuy nhiên, vẫn còn đến 60% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc… nên giá trị hàng da giày gia công còn thấp và lợi nhuận không cao. Ngoài ra, một sốđiểm yếu khác khiến ngành da giày vẫn chưa tạo bước đột phá như: vấn đề thiết lập kênh phân phối, xây dựng mối liên kết giữa các nhà sản xuất trong ngành, các nhà cung ứng vật tư…
Ông Vũ Văn Chầm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giày Việt đồng thời là Chủ tịch Hội Da Giày TPHCM cho biết các doanh nghiệp sản xuất da giày đang chống chọi khá vất vả với giày ngoại nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc. Theo ông Chầm, các doanh nghiệp da giày chỉ chiếm khoảng 30% thị trường nội địa, so với tỉ lệ 70% như trước đây.
Theo Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước 6 tháng đầu năm đạt khoảng 2 tỉđô la Mỹ, bằng 91,3% so với cùng kỳ 2008. Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2009 là 5 tỉđô la Mỹ, tăng khoảng 10% so với năm 2008.