Sẽ có những "làn sóng" FDI mới vào Việt Nam
* Trước hết ông có thể đưa ra một nhận định về lượng vốn FDI có thể giải ngân trong năm nay?
TS Phan Hữu Thắng: Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo từ các địa phương cũng căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới hiện nay, chúng tôi dự tính lượng giải ngân FDI năm 2009 có thể sẽ không bằng năm 2008. Theo tôi, năm nay dự tính lượng vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giải ngân được bao nhiêu, 9 tỷ hay sẽ đạt mức như năm ngoái (11,5 tỷ) là hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta có thể vẫn đạt mức 11,5 tỷ nếu như chúng ta có các giải pháp tốt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã sẵn sàng về vốn, về đất đai bằng cách giảm thiểu các thủ tục không liên qua.
Cũng theo báo cáo từ các địa phương mà chúng tôi đã tổng hợp vào cuối quý I năm nay, thì tính chung cho cả nước vẫn có thể giải ngân đạt con số 11,5 tỷ. Con số này cũng là mục tiêu đề ra cho cả năm 2009.
Công tác giải phóng mặt bằng hiện là một trong những khó khăn để thúc đẩy giải ngân FDI (ảnh: ST)
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mặc dù thời gian còn lại của năm 2009 chỉ còn 7 tháng. Thế nhưng,chúng ta vẫn có thể giải ngân tiếp khoảng trên 9 tỷ USD và tổng giải ngân FDI năm 2009 sẽ vượt hoặc bằng năm 2008 nếu như chúng ta có những giải pháp tốt.
* Nói như vậy có nghĩa rằng, nếu như chúng ta đẩy mạnh cải cách các thủ tục về hồ sơ thì mục tiêu về giải ngân FDI đã đề ra cho năm 2009 vẫn có thể đạt được?
TS Phan Hữu Thắng: Tôi cho là như vậy
* Có nghĩa là khó khăn sẽ đến từ những thủ tục của Việt Nam chứ không phải khó khăn về vốn của các doanh nghiệp FDI?
TS Phan Hữu Thắng: Đúng thế
* Vậy, khó khăn lớn nhất trong các rào cản về thủ tục hành chính hiện nay là gì thưa ông?
TS Phan Hữu Thắng: Công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư có lẽ là khó khăn lớn nhất.
Mặc dù, đây là vấn đề mà thời gian qua chúng ta đã nỗ lực rất nhiều, song hiện nay, viêc giải phóng mặt bằng, giao đất cho các doanh nghiệp vẫn đang còn quá nhiều thủ tục và triển khai đang rất chậm. Chính vì thế, nó đã tác động lớn và làm giảm tốc độ giải ngân vốn.
* Trong số tất cả các nước, theo ông khối các doanh nghiệp đến từ khu vực nào sẽ được kỳ vọng có lượng vốn giải ngân lớn trong năm 2009?
TS Phan Hữu Thắng: Tôi cho rằng các nước truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc…với các dự án ở quy mô ở mức trung bình trở lên là những dự án sẽ được giải ngân chủ yếu trong năm nay bởi đây là những án luôn sẵn sàng về vốn.
* Thời gian gần đây, khối doanh nghiệp EU cũng đã có khá nhiều các cuộc khảo sát đến Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về các doanh nghiệp từ khu vực này?
TS Phan Hữu Thắng: Đúng là đang có nhiều tín hiệu tích cực đến từ các doanh nghiệp EU như anh nói. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp EU cũng hết sức quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Vừa rồi, tôi có chuyến công tác tại Thụy sỹ. Qua hai cuộc hội thảo mà tôi tham dự trong chuyến công tác này, thì thấy rằng, họ đang thực sự quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.
* Vậy ông có cho rằng, sẽ có một làn sóng các nhà đầu tư mới từ EU sẽ đến Việt Nam trong thời gian gần đây?
TS Phan Hữu Thắng: Tôi tin là như thế. Bởi vì, thời gian vừa qua, có rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ Đức, Italia, Thụy sỹ, Pháp đã tiếp tục và dồn dập sang để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ta.
* Vậy, theo ông, vì sao lại có những dấu hiệu này?
TS Phan Hữu Thắng: Có thể là họ đã nhận thấy những tiềm năng và lợi thế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, các doanh nghiệp khối EU hiện đang gặp khó khăn với thị trường bản địa và việc họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nước như chúng ta - một địa điểm đầu tư an toàn cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là một hướng đi mà các doanh nghiệp EU tính tới trong điều kiện đầu tư vào nội địa đang ở các nước của họ đang gặp khó khăn.
* Nhưng hiện nay, sự hợp tác về đầu tư giữa Việt Nam và EU hình như chưa được đẩy mạnh như với Nhật Bản, Hàn Quốc. Ý kiến ông thế nào?
TS Phan Hữu Thắng: Chúng ta sẽ đẩy mạnh hình thức hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua để áp dụng đối với một số nước EU thời gian tới.
Đặc biệt , Sáng kiến chung Viêt - Nhật nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh hay các mô hình hợp tác giữa từng các địa phương của Nhật Bản với các cơ quan quản lý đầu tư, xúc tiến đầu tư của Việt Nam sẽ được nhân rộng trong thời gian tới với khối các nước EU. Điều này có thể trực tiếp tháo gỡ những khó khăn để cho các doanh nghiệp hai phía chủ động hơn trong đầu tư.
* Trong 5 tháng đầu năm 2009 FDI từ Hoa Kỳ đã chiếm vị trí hàng đầu về số vốn đăng ký. Vậy, theo ông phải chăng Mỹ sẽ sớm trở thành một quốc gia hàng đầu về đầu tư FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?
TS Phan Hữu Thắng: Trong 5 tháng vừa qua, FDI của Mỹ vào Việt Nam đã có những thay đổi rất tích cực. Điều này xuất phát từ các dự án mà các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam mở rộng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, vốn FDI vào Việt Nam từ các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…. vẫn chiếm số lượng lớn nhất.
Do đó, những số liệu của 5 tháng đầu năm 2009 chưa đủ khẳng định rằng, đầu từ FDI từ Hòa kỳ trong thời gian tới sẽ nhảy vọt.
Tôi hi vọng, tất cả các nước sẽ tiến chung đều về số lượng FDI vào Việt Nam. Bởi trong sự nỗ lực của Mỹ thì các nước khác như Nhật, Hàn và tất cả các nước khác cũng nỗ lực để đầu tư vào Việt Nam.
Theo tôi, có lẽ đến cuối năm 2009 và sang 2010, khi sự khó khăn của nền kinh tế qua đi mới nên khẳng định rằng, ai sẽ là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!