Sếp Vinacomin than khó trăm bề khi thuế tài nguyên tăng

Từ ngày 1/7 tới, thuế tài nguyên đối với mặt hàng than, khoáng sản sẽ đồng loạt tăng, cụ thể là than lộ thiên sẽ tăng từ 9% lên 12%; than hầm lò tăng từ 7% lên 10%; alumin tăng từ 0% lên 2%...
 
Theo tính toán của Vinacomin, với việc thuế tài nguyên tăng thêm 3-4% so với hiện tại, tổng số chi phí của tập đoàn này sẽ tăng thêm 1.300–1.500 tỷ đồng một năm, tuỳ theo sản lượng. Chi phí tăng sẽ kéo theo lợi nhuận sụt giảm.
 
Doanh thu Vinacomin năm 2015 đạt 106.860 tỷ đồng, dù tăng 3% song lợi nhuận giảm xuống còn 600 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu cả năm 2016 khoảng 110.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. 
 
5 tháng đầu năm 2016, Vinacomin đạt doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm, chi phí tăng khiến cân đối tài chính của “ông lớn” ngành than khá chật vật.
 
Thuế tài nguyên với các sản phẩm than tăng thêm 3-4% tuỳ loại so với hiện tại, đẩy chi phí tăng của Vinacomin tăng thêm 1.300-1.500 tỷ đồng một năm.
 
Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên, giá thành tăng khiến giá thành tăng sẽ khiến sản xuất, kinh doanh của ngành than, việc làm, thu nhập và an sinh xã hội của các vùng mỏ bị ảnh hưởng.
 
Vị này cũng cho rằng trong lúc thuế tài nguyên tại nhiều nước đang giảm đi, thì Việt Nam lại tăng. So sánh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy, thuế xuất khẩu than của Việt Nam đang ở trong nhóm cao nhất thế giới. Tại Australia, thuế khai thác than lộ thiên là 7% và 6% với khai thác than hầm lò. Thậm chí nước này còn giảm thuế còn 5% nếu việc khai thác phức tạp, trong khi thuế suất tại Việt Nam gấp đôi.
 
“Thuế suất cao đã làm giảm tính cạnh tranh giữa các nguồn than. Cùng điều kiện khai thác, chất lượng, nhưng thuế suất khác nhau thì giá thành sản phẩm cũng sẽ khác. Giá cao đương nhiên sẽ làm giảm cạnh tranh sản phẩm than của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Biên nêu.
 
Bên cạnh đó, lãnh đạo Vinacomin cũng cho rằng, thuế tài nguyên đang chưa được tính đúng. Theo quy định, luật thuế tài nguyên, quy định tính thuế suất dựa trên giá trị tài nguyên trong lòng đất để nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau khi tài nguyên qua chế biến, sàng tuyển, vận chuyển hàng chục km đường sắt thì đây là giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ chứ không phải giá trị để tính thuế.
 
Việc tăng thuế tài nguyên theo Bộ Tài chính sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách một khoản không nhỏ, nhưng nếu cứ tăng mãi thuế, doanh nghiệp cho rằng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên một cách hiệu quả. “Khai thác hiệu quả còn có nghĩa là tận dụng tối đa tài nguyên, ta tăng thuế cao thì hạn chế việc tận thu các khu vực điều kiện khai thác khó khăn. Đây là logic thông thường”, ông Nguyễn Văn Biên nêu quan điểm.
 
Để đối phó với việc tăng chi phí này, Vinacomin đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm sản lượng cung cấp than vào thị trường trong 6 tháng đầu năm để giảm tồn kho. “Tuy giảm sản lượng sản xuất nhưng việc làm, thu nhập người lao động, công nhân mỏ, hầm lò… vẫn được đảm bảo ổn định”, Phó tổng giám đốc Vinacomin khẳng định.
 

Nói về kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm, người phát ngôn của Vinaconmin chia sẻ, ngoài tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tập đoàn này cũng chuẩn bị mọi giải pháp để cân đối tài chính khi thuế tài nguyên tăng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có thể co kéo để vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng như mong muốn, nhưng kéo dài sẽ khó khăn.