Siêu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành: Vì sao nhà đầu tư
Trong tờ trình vừa được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM ký gửi người đứng đầu Chính phủ vào cuối tuần trước, liên danh Công ty cổ phần Toshin Development, Join, Nikken Sekkei và Osaka Chikagai (đại diện là Toshin) được Thành phố đề nghị chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án đối với cấu phần cửa hàng/thương mại thuộc Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. Thủ tục chỉ định nhà đầu tư sẽ được TP.HCM thực hiện theo đúng quy định.
Tại tờ trình này, TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ODA để thực hiện cấu phần xây dựng lối đi, quảng trường và các công trình phụ trợ ngầm công cộng tại khu vực Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành theo hướng bổ sung khối lượng và chi phí vào Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sử dụng vốn ODA Nhật Bản.Được biết, Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành nằm tại khu vực trung tâm TP.HCM, ngầm phía dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc theo đường Lê Lợi từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát Thành phố. Vị trí cụ thể của công trình là tại tầng hầm B1 của Nhà ga Trung tâm Bến Thành và đoạn đi ngầm bên dưới đường Lê Lợi (chiều dài khoảng 500 m) của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Dự án có quy mô khoảng 45.000 m2, gồm khu vực cửa hàng/thương mại rộng 18.100 m2; hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2.
Vấn đề lớn nhất cần được liên danh nhà đầu tư làm rõ liên quan đến chi phí xây dựng Dự án. Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng. Trong khi đó, theo tính toán của Toshin được lãnh đạo TP.HCM báo cáo Thủ tướng vào tháng 5/2016, cùng với quy mô xây dựng khoảng 45.000 m2, Dự án sẽ cần tới 8.392 tỷ đồng, trong đó địa phương góp 4.982 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 59%) bằng khoản bay ODA cho phần diện tích công cộng; nhà đầu tư góp 3.410 tỷ đồng dưới hình thức PPP.
Trước đó, trong công văn xin chủ trương gửi Thủ tướng vào cuối tháng 5/2016, TP.HCM cho biết, có tới 2 liên danh cùng xin tham gia đầu tư công trình hạ tầng kết hợp kinh doanh thương mại theo hình thức PPP này.
Ngoài Toshin, TP.HCM cũng nhận được đề xuất dự án của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Sài Gòn Star (do Công ty Nihon Sekkei - Nhật Bản tư vấn).
Hiện chưa rõ lý do rút lui của Sài Gòn Star, nhưng liên danh do Toshin đứng đầu có rất nhiều lợi thế để giành quyền đầu tư “siêu” trung tâm thương mại ngầm đầu tiên tại Việt Nam này.
Theo đề xuất của Toshin, Dự án Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành sẽ gồm 2 phần, trong đó cấu phần công trình công cộng thực hiện bằng nguồn vốn ODA và cấu phần cửa hàng/thương mại thực hiện bằng hình thức PPP hoặc hình thức đầu tư khác. Điều đáng lưu ý là, Toshin cam kết sẽ hỗ trợ TP.HCM trong việc phối hợp tích cực với Chính phủ Nhật Bản thu xếp ODA cho cấu phần công trình công cộng.
Trong Công hàm số No.J.F:557/2016 ngày 15/7/2016, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ nước này ủng hộ việc tài trợ vốn ODA cho khu vực công cộng của Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành, nếu liên danh nhà đầu tư Nhật Bản được chọn là chủ thể thực hiện Dự án.
Cần phải nói thêm rằng, theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 22, Luật Đấu thầu năm 2013, việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án được áp dụng trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn.
Tuy nhiên, đây không phải là lợi thế duy nhất khiến TP.HCM chấm Toshin là nhà đầu tư cho Dự án. Được biết, ngoài lợi thế về cam kết kêu gọi vốn ODA cho cấu phần hạ tầng chung, Toshin là nhà đầu tư có thực lực tài chính và kinh nghiệm trong phát triển các trung tâm thương mại. Được thành lập vào cuối năm 1963, Toshin là nhà đầu tư rất nổi tại Nhật Bản trong việc phát triển, đầu tư các trung tâm thương mại phức hợp với quy mô vốn điều lệ lên tới 2,14 tỷ yên.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM, ông Yasuhiko Matsumoto, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Toshin Development cho biết, các cơ quan và Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến dự án này, xem đây là hợp tác hữu nghị của Việt Nam - Nhật Bản. “Mục tiêu của Công ty không chỉ xây dựng trung tâm thương mại, mà còn hướng đến xây dựng một khu đô thị, thành phố dưới lòng đất với quy mô lớn ở khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Toshin cho biết.