Sóc Trăng đang chuẩn bị nhiều dự án đầu tư mới

Sóc Trăng đang chuẩn bị nhiều dự án đầu tư mới

Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư của Sóc Trăng thời gian qua?

Sau hơn 16 năm tái lập (tách ra từ tỉnh Hậu Giang cũ từ tháng 4/1992), Sóc Trăng có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức khá cao. Những năm qua, cùng với nguồn vốn đầu tư của cả Trung ương và địa phương, cơ sở hạ tầng của tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Song nhìn chung do thiếu cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, công với một số khó khăn khác, nên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Sóc Trăng chưa cao. Tỉnh Sóc Trăng và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn thiếu một cảng nước sâu cho vận chuyển hàng hoá xuất khẩu.
Tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ phê duyệt. Đó là KCN An Nghiệp, Trần Đề và Đại Ngãi và đang đẩy mạnh triển khai cụm Công nghiệp Cái Côn (Kế Sách). Song, những KCN hiện có và đang triển khai vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là về chế biến và xuất khẩu nông sản.

Sóc Trăng có những tiềm năng nào hấp dẫn các nhà đầu tư?

Ở ĐBSCL, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tài nguyên thiên nhiên, có cả rừng và biển, lại đa dạng về văn hoá (do có người Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống); có nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội.... Đó là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

Từ nhiều năm nay, Sóc Trăng đã có một số sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao, đặc biệt là lúa gạo (nhiều loaị gạo chất lượng cao có thương hiệu); hàng thuỷ sản, nhất là tôm chiếm tỷ lệ khá lớn cả về số lượng và chất lượng; nông sản thực phẩm chế biến, ï như củ hành tím Sóc Trăng ngon nổi tiếng trên nhiều thị trường trong và ngoài nước...

Sóc Trăng đã có một hệ thống giao thông thuỷ, bộ thuận lợi với bờ biển dài và hệ thống sông ngòi chằng chịt. Ngoài ra, khoảng 60% dân số của tỉnh đang trong độ tuổi lao động, là nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế.

Ông có thể giới thiệu những dự án trọng điểm nào với các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

Về trung hạn và dài hạn, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch. Sóc Trăng sẽ ưu tiên cho các dự án công nghiệp chế biến nông sản; các nhà máy điện; cảng, nhất là cảng nước sâu. Tỉnh đã trình Chính phủ xem xét, cho phép xúc tiến lập báo cáo tiền khả thi một số dự án lớn như Dự án Cảng nước sâu phục vụ tỉnh và khu vực ĐBSCL; Dự án thành lập Khu kinh tế biển (dự kiến là huyện Long Phú và Vĩnh Châu); Dự án thành lập huyện mới Trần Đề (sau trở thành khu đô thị ven biển, với diện tích 37.858 ha, dân số 126.166 khẩu, trong đó gần 50% là dân tộc Khmer); Dự án Xây dựng các thiết chế văn hoá tỉnh; Dự án Bệnh viện đa khoa...

Để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, nhất là trong tình hình khó khăn chung hiện nay, tỉnh sẽ có những biện pháp cụ thể nào?

Ngoài những ưu đãi chung cho các nhà đầu tư, tỉnh sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng cáo... Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rút ngắn thời gian cấp phép, triển khai dự án thông qua việc cải cách thủ tục hành chính... Tỉnh sẽ nghiên cứu, áp dụng những hình thức xúc tiến đầu tư mới, trực tiếp để tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.