Sóc Trăng xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch
Theo ông, tiềm năng, lợi thế nào được xem là nổi bật của Sóc Trăng trong thu hút đầu tư?
Lợi thế đầu tiên có thể kể đến của tỉnh Sóc Trăng là giao thông. Sóc Trăng có hệ thống giao thông đường bộ rất thuận lợi, do nằm trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực và TP.HCM. Hệ thống đường thủy của tỉnh theo dòng sông Hậu có thể giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan…
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng có 72 km bờ biển, chiếm 2,21% chiều dài bờ biển cả nước, với 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh, nên có điều kiện để phát triển kinh tế biển, nhất là về khai thác, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển đường biển; có nguồn sản phẩm nông, thủy sản dồi dào, là nguyên liệu cần thiết đáp ứng cho việc xây dựng các nhà máy chế biến, xuất khẩu.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng khoảng 68.000 ha, tổng sản lượng hàng năm trên 180.000 tấn. Mặt khác, ngành du lịch Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng có thể khai thác, cả vùng sinh thái ven biển, ven sông Hậu và trong khu vực nội địa, với đặc trưng là văn hóa lễ hội dân tộc.
Tỉnh đã quy hoạch 6 khu công nghiệp: An Nghiệp, Trần Đề, Đại Ngãi, Vĩnh Châu, Mỹ Thanh, Long Hưng; trong đó, Khu công nghiệp An Nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng. Ngoài các lợi thế trên, Sóc Trăng có nguồn nhân lực dồi dào, trong đó có khoảng 760.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% dân số toàn tỉnh, đây sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của Sóc Trăng trong tương lai.
Để thu hút đầu tư hiệu quả, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Việc cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm. Giữa năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng có Kết luận số 11-KL/TU về nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư đến năm 2015, sau đó đến cuối năm 2013 đã tiến hành sơ kết thực hiện.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, cũng như phân tích rõ những hạn chế khó khăn trong thời gian qua, đầu năm 2014 UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND về nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2014 – 2015, với mục tiêu chính là cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, chất lượng điều hành và quản lý kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tỉnh chủ trương xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông có thể cho biết các giải pháp cụ thể mà chương trình đề ra?
Mục tiêu cụ thể của chương trình là phấn đấu cải thiện đáng kể các chỉ số thành phần, nâng cao vị trí xếp hạng PCI của tỉnh năm 2014; đến năm 2015, điểm số PCI của tỉnh cao hơn mức bình quân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và duy trì trong nhóm 20 tỉnh, thành phố cả nước có chỉ số PCI tốt nhất.
Theo đó, Chương trình số 01/CTr-UBND đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ từ cải cách hành chính, hoàn thiện hạ tầng, đào tạo nghề… đến chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; trong đó có một số giải pháp đáng lưu ý như: chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao tính năng động và tiên phong của cán bộ lãnh đạo; tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời, chủ động giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch thanh tra doanh nghiệp, bảo đảm đúng quy định pháp luật, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm; hạn chế việc thanh, kiểm tra nhiều lần, bảo đảm nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Thông qua Chương trình, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố phải nâng cao trách nhiệm, xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động điều hành. Đặc biệt, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh công bố số điện thoại để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Đồng thời, giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Sóc Trăng làm đầu mối hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; cung cấp các mẫu đơn, tư vấn thực hiện các hồ sơ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; thay mặt nhà đầu tư, doanh nghiệp (khi được ủy quyền) hoặc phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp (khi có yêu cầu) làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.