Sớm phá băng thị trường ngoại tệ
Biên độ rộng tạo kỳ vọng về tỉ giá
Từ tháng 3-2009, NH Nhà nước đã nới rộng biên độ biến động tỉ giá từ +/-3% lên +/-5%. Khi đó NH Nhà nước giải thích quyết định này giúp tỉ giá biến động hai chiều linh hoạt hơn, bám sát cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Thực tế những tháng qua, tỉ giá do các NH niêm yết luôn đụng trần biên độ tỉ giá cho phép. Còn tỉ giá liên NH do NH Nhà nước công bố có tăng giảm nhưng không đáng kể nên gần như không có ý nghĩa với thị trường. Như vậy, việc nới rộng biên độ biến động tỉ giá đã không tạo sự thông thoáng trên thị trường ngoại tệ mà còn ngược lại. Lúc này, thị trường đang kỳ vọng NH Nhà nước sẽ mở rộng biên độ tỉ giá. Nhưng nếu NH Nhà nước làm thế thì lại tạo ra một kỳ vọng mới, thị trường đóng băng. Cần lưu ý là tâm lý găm giữ ngoại tệ đã tăng cao khi liên tục từ năm 2008 đến nay NH Nhà nước đã nhiều lần mở rộng biên độ biến động tỉ giá.
NH Nhà nước công bố sẽ điều hành tỉ giá theo tín hiệu thị trường, nhưng trên thực tế biên độ biến động tỉ giá đã được cột ở mức 5%, còn tỉ giá liên NH có lên, có xuống nhưng mức biến động chỉ là một vài đồng/ngày thì khó có thể gọi là theo tín hiệu thị trường. Từ đó dẫn đến tỉ giá do các NH niêm yết cũng bị “cắm sào” quanh một mức giá trong thời gian dài. Và khi thị trường nóng lên thì NH Nhà nước lại nới biên độ.
Như vậy, vô hình trung biên độ rộng đã tạo ra một tỉ giá cứng, từ đó hình thành tâm lý kỳ vọng tỉ giá còn lên. Vậy tại sao không làm ngược lại là thu hẹp biên độ, thậm chí chỉ còn 0,25% hoặc 0,5% nhưng cho tỉ giá liên NH biến động nhiều hơn, có thể vài chục, thậm chí cả trăm đồng/ngày? Khi đó, tỉ giá có lên, có xuống sẽ giảm bớt kỳ vọng tỉ giá còn lên hoặc nới rộng biên độ. Doanh nghiệp sẽ bớt găm giữ ngoại tệ khi hôm nay bán được ngoại tệ giá 17.800 đồng/USD nhưng hôm sau chỉ còn 17.600 đồng/USD. Ngược lại, họ sẽ giữ ngoại tệ khi tỉ giá chỉ tăng giảm vài đồng trong thời gian dài. Như từ đầu tháng 7-2009 đến nay, tỉ giá liên NH chỉ tăng 11 đồng dẫn đến tỉ giá do các NH niêm yết cũng chỉ biến động 11 đồng, từ 17.802-17.813 đồng/USD.
N.V.H.
(cán bộ ngân hàng)
(cán bộ ngân hàng)
Còn ngoại tệ không bù lãi suất
Có thực tế là một bộ phận của thị trường ngoại tệ đang đóng băng, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp được bù lãi suất khi vay vốn VND và đã giữ lại vốn USD để chờ tỉ giá lên. Thời gian bù lãi suất vay vốn ngắn hạn còn hơn năm tháng nữa. Nên chăng có quy định “trạng thái ngoại hối” với doanh nghiệp được bù lãi suất vay vốn VND. Doanh nghiệp chỉ được bù lãi suất khi đã bán hết ngoại tệ. Nếu doanh nghiệp còn ngoại tệ gửi đâu đó, có nghĩa là còn vốn thì ngân hàng có thể từ chối bù lãi suất. Chắc chắn khi đó doanh nghiệp phải bán ngoại tệ thay vì găm giữ.
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN
(Đại học Kinh tế TP.HCM)
(Đại học Kinh tế TP.HCM)
Đừng để lây lan
Giao dịch ngoại tệ trong NH đóng băng đã làm lây lan tâm lý tỉ giá còn lên từ doanh nghiệp ra dân. Không ít người dân lo lắng khi tỉ giá USD tại thị trường tự do đã vượt mức 18.000 đồng/USD. Nhưng không phải người dân nào cũng hiểu giá USD tại thị trường tự do tăng là do các doanh nghiệp vì không mua được USD để nhập khẩu hàng đã mua USD tại thị trường tự do. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại có hàng triệu USD gửi tại ngân hàng không chịu bán ra. Thực tế tại một số NH, lượng tiền gửi ngoại tệ của dân cũng có xu hướng tăng.
(Phó tổng giám đốc một NH cổ phần)
Trước 2007
|
0,25%
|
2-1-2007
|
0,5%
|
24-12-2007
|
0,75%
|
10-3-2008
|
1%
|
27-6-2008
|
2%
|
7-11-2008
|
3%
|
23-3-2009
|
5%
|