SX công nghiệp quý I: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dẫn dắt
Trong đó, sản xuất công nghiệp thuộc khu vực kinh tế Nhà nước đạt 38 nghìn tỷ đồng, tăng 7%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 63,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4,2%, các ngành khác tăng 19,4%).
Trong các ngành công nghiệp, giá trị sản xuất của ngành điện, gas, nước trong quý I/2010 đạt mức tăng cao nhất với 19,3% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến tăng 14,1%.
Một số sản phẩm công nghiệp quý I năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Điều hoà nhiệt độ tăng 102,3%; khí hóa lỏng tăng 66,7%; kính thuỷ tinh tăng 56,5%; lốp ô tô, máy kéo tăng 51,6%; xe máy tăng 40,4%; xe tải tăng 39,4%; tủ lạnh, tủ đá tăng 36,8%; gạch lát ceramic tăng 35%; xe chở khách tăng 26,4%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 24,3%; giấy, bìa tăng 20,1%; điện sản xuất tăng 19,9%; xi măng tăng 18,2%; xà phòng giặt tăng 17,2%; bia tăng 15,9%; sơn hoá học tăng 15,5%; giày thể thao tăng 15,2%. Bên cạnh đó, vẫn còn một số sản phẩm có tốc độ tăng không cao hoặc mức sản xuất không bằng cùng kỳ năm trước như: Ti vi chỉ tăng 4,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 2,4%; dầu thực vật tinh luyện không tăng; đường kính giảm 4,9%; dầu thô khai thác giảm 14,5%; ...
Nhiều tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung cả nước như: Vĩnh Phúc tăng 47,4%; Phú Thọ tăng 38,7%; Đà Nẵng tăng 26,2%; Bình Dương tăng 20,8%; Hải Dương tăng 19,8%; Quảng Ninh tăng 18,7%, Đồng Nai tăng 18,4%; Hải Phòng tăng 15,2%; Thanh Hoá tăng 14,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,7%. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp của một số địa phương tăng thấp, thậm chí vẫn trong tình trạng giảm sút: Hà Nội tăng 12,4%; Cần Thơ tăng 11,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,1%.
Giá cả tăng đang cản trở ngành công nghiệp
Theo đánh giá của Tổng Cục Thống kê, mặc dù ngành công nghiệp đang trên đà phục hồi nhanh nhưng sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, nhất là giá điện, than, xăng dầu, sắt thép, cước vận chuyển tăng cao đã tác động tăng giá thành và giá bán sản phẩm. Chỉ số giá sản xuất của ngành công nghiệp quý I/2010 tăng 9,37% so với quý I/2009, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 24,37%; công nghiệp điện, nước, ga tăng 18,06%; công nghiệp chế biến tăng 6,67%.
Do giá bán tăng, sức mua của thị trường trong nước hạn chế và xuất khẩu gặp khó khăn nên nhiều loại sản phẩm tiêu thụ chậm. Qua điều tra 3.496 doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tính chung chỉ số tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chế biến tháng 02/2010 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó một số ngành sản phẩm có chỉ số tiêu thụ giảm nhiều là: Đường giảm 53,4%; phân bón và hợp chất ni tơ giảm 24,5%; xi măng giảm 18,8%; sợi và dệt vải giảm 10,9%; xe có động cơ giảm 10,8%; giày dép giảm 6,7%; bột giấy, giấy và bìa giảm 6,4%; thuốc lá, thuốc lào giảm 4,2%; sắt, thép giảm 5,6%.