Tái cấu trúc kinh tế: Thách thức và kỳ vọng
Nhiều thách thức và kỳ vọng mang tính khách quan và chủ quan của cả Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đang gia tăng áp lực lên nhóm chuyên gia xây dựng đề án tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.
Sự kỳ vọng xuất phát từ thực tế: cuộc khủng hoảng đang diễn ra là cơ hội rất lớn để Việt Nam nhìn nhận lại một cách tỉnh táo những yếu kém, bất cập của nền kinh tế cũng như tính bất hợp lý trong mô hình phát triển. Trong khi đó, thách thức nằm ở chỗ, liệu đề án mà họ đang soạn thảo có bao hàm hết những yếu kém nội tại của nền kinh tế, và quan trọng hơn, nó có được chấp nhận và thực thi bởi cả hệ thống nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp nhằm lành mạnh hoá các yếu kém đó.
Tựu trung lại, bản đề án đó có hội đủ nội hàm khoa học, và sức thuyết phục để góp phần tạo nền tảng nhằm đưa nền kinh tế phát triển bền vững, lành mạnh trong trung và dài hạn?
Xuất phát từ tham vọng đó, bản đề án tái cấu trúc cần được tôn trọng và chú ý hơn cái cách “đơn giản hoá” và “chạy theo mốt” mà nó đang được đề cập và thảo luận trên các phương tiện truyền thông.
“Tôi rất buồn là thời gian gần đây, báo chí và các nhà khoa học lạm dụng nói về thay đổi cơ cấu kinh tế như là cái mốt. Nói thế là nguy hiểm, vì họ đã đơn giản hoá vấn đề. Đây là câu chuyện dài hạn về tầm nhìn và phát triển của Việt Nam”, viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành nói.
Một mặt, việc xác định những “vấn đề” của nền kinh tế có thể sẽ không là quá khó cho các chuyên gia của ban soạn thảo, cũng như giới trí thức muốn đóng góp vào quá trình đó.
Sau hơn 20 năm đổi mới và mở cửa công cuộc phát triển kinh tế, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều “nút thắt” như thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư (nhất là đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước), phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, thâm dụng lao động, khai thác tài nguyên, chất lượng nguồn nhân lực, bế tắc trong cải cách hành chính, tham nhũng, ô nhiễm môi trường và hàng loạt các vấn đề phát triển khác,… Những “nút thắt” này, một cách không thể phủ nhận, đang ngáng đường cho công cuộc phát triển kinh tế trong trung hạn.
Nhưng, mặt khác, làm sao tháo gỡ được những “nút thắt” đó là câu hỏi rất khó. “Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải làm thế nào, chứ không phải làm gì nữa”, ông Thành nói.
Hãy thử xem xét hai ví dụ điển hình trong hàng loạt các “nút thắt” này là mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên mở rộng đầu tư, và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước được xác định là “đầu tàu” thúc đẩy kinh tế ở Việt Nam để thấy nhận xét của một trong những tác giả chính của bản dự thảo đề án đúng ở mức độ nào.
Lâu nay, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là dựa trên mở rộng đầu tư, nhất là đầu tư của Nhà nước. Vốn đầu tư của Nhà nước vẫn luôn chiếm từ 41 – 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn từ 2006 – 2008, theo bộ Kế hoạch và đầu tư.
Nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, ngân sách đã được thiết kế để phục vụ cho mục tiêu này trong thời gian qua, mà bỏ qua những cảnh báo về rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm đến nay, khi các gói kích thích tài chính tổng trị giá tới 8 tỉ USD được đưa ra, thì đầu tư của Nhà nước đã tăng lên cao tương ứng. Vốn của Nhà nước đã chiếm tới 43,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái, theo tổng cục Thống kê.
Đầu tư của Nhà nước cao đã trực tiếp làm tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng rất cao, ở mức 45,6% GDP năm 2007, 43,1% năm 2008.
Tuy vậy, hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước không cao, mà biểu hiện rõ nhất có thể kể đến là đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Có nghĩa là, để tạo ra năng lực sản xuất, Nhà nước phải bỏ ra nhiều kinh phí hơn và nhập khẩu nhiều đầu vào cho đầu tư hơn.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như cải cách khu vực này cũng rất cần đề cập tới.
Một nghiên cứu của bộ Kế hoạch và đầu tư thừa nhận rằng, giá trị tài sản cố định bình quân để tạo ra một chỗ làm việc tại một DNNN là 418 triệu đồng, cao gấp 4,7 lần so với doanh nghiệp tư nhân, và 1,8 lần so với doanh nghiệp FDI.
Hơn nữa, vẫn theo MPI, 1 đồng tài sản cố định tại DNNN chỉ tạo ra 1,2 đồng doanh thu thuần, chỉ bằng 1/3 mức của doanh nghiệp tư nhân, và 70% của doanh nghiệp FDI. Tức là hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế này là không hiệu quả bằng hai khu vực kinh tế kia.
Bất chấp thực tế đó, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước lại đang chậm lại đáng kể. Kể từ khi bắt đầu thử nghiệm từ những năm 1990, đến nay mới chỉ cổ phần hoá được khoảng 15 – 20% tổng số vốn nhà nước.
Đảng và Quốc hội đã yêu cầu hoàn thành cổ phần hoá các DNNN đến năm 2010, nhưng với tổng số vốn lớn còn lại, có vẻ đây là nhiệm vụ bất khả thi, trong bối cảnh các tổng công ty nhà nước đang có xu hướng chuyển sang tập đoàn kinh tế.
Rõ ràng, nhận diện những “vấn đề” này của nền kinh tế không phải quá khó khăn. Khó khăn lớn nhất, như ông Thành thừa nhận là “làm thế nào”.
Hiện tại, dự thảo đề án này vẫn chưa hình thành, nhưng được yêu cầu phải có trong tháng 9 tới để báo cáo Chính phủ.
Một thành viên của ban nghiên cứu của Thủ tướng trước đây kể, ban này nhiều lần đã đề xuất một bản đề án như vậy với nhiều quan chức có thẩm quyền, nhưng bất thành.
Với yêu cầu trực tiếp của Thủ tướng hồi tháng 3 vừa rồi, đề án lần này rõ ràng có nhiều thuận lợi hơn để hình thành, và áp dụng vào thực tiễn, không chỉ giúp thoát khỏi khủng hoảng, mà còn đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy của thu nhập trung bình.