Tái cơ cấu các dự án ODA
Thúc đẩy giải ngân các dự án ODA là một trong những trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra trong ngày hôm nay tại Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Trong báo cáo về giải ngân ODA nhiều năm nay, thúc đẩy giải ngân luôn là đề nghị từ phía các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Những cảnh báo về hệ luỵ có thể bị xem xét cắt giảm nguồn ODA do chậm giải ngân cũng đã được đưa ra không chỉ một lần. Trong 5 tháng đầu năm 2009, tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA mới đạt 720 triệu USD, bằng khoảng 38% kế hoạch năm.
Trong buổi làm việc giữa Tổ công tác ODA của Chính phủ và WB vào cuối tuần qua trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm các nhà tài trợ, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, sự chậm trễ này trong giải ngân nguồn vốn ODA ảnh hưởng lớn tới kế hoạch cải thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
"Trong bối cảnh kinh tế năm 2009, việc giải ngân tốt nguồn vốn ODA còn có ý nghĩa rất lớn trong cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam", Thứ trưởng Cao Viết Sinh nói.
Không những thế, khi các quốc gia cạnh tranh khá mạnh mẽ để lôi kéo nguồn ODA ngày càng hiếm hoi hơn, những dự án chậm trễ hiện tại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch cho vay cũng như mong muốn tăng vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Hiện có tới 10 trong tổng số 42 dự án ODA của nước ta đang sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) đã bị đưa vào danh sách những dự án có tiến độ quá chậm, nhiều khả năng không thể giải ngân kịp trong thời gian dự án.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, mặc dù WB đã chấp nhận sẽ tăng vốn cho Việt Nam, song nếu các dự án hiện tại chậm trễ như vậy thì cũng rất khó cho các chuyên gia WB tại Việt Nam giải trình với hội sở chính.
"Chúng ta cần nhìn xa hơn danh mục 10 dự án có vấn đề vì sẽ còn rất nhiều các dự án khác đang và sẽ triển khai, các dự án bổ sung tới đây. Giải pháp đưa ra cần phải tháo gỡ đươc các vấn đề có tính xuyên suốt, mấu chốt", bà Victoria nói và kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực trong giải ngân dự án ODA vào thời điểm hiện tại, khi Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện gói kích cầu và xác định trọng tâm đẩy mạnh giải ngân trong năm 2009. Trở lại các dự án thuộc diện cảnh báo của WB, nguyên nhân chậm trễ được phát hiện tương đối giống nhau.
Đó là những phức tạp trong quy trình, thủ tục thông qua dự án, sự chậm trễ trong hoàn tất đấu thầu đối với dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Mekong (207,7 triệu USD) khiến dự án này mới giải ngân được 2% trong vòng 2 năm.
Những quan ngại trong thiết kế dự án và thủ tục thanh toán chậm trễ do có quá nhiều cơ quan tham gia làm dự án giao thông đô thị tại Hà Nội (155,2 triệu USD) cũng chỉ giải ngân được 3%...
Đó là nguyên do thiếu hụt vốn đối ứng cho đền bù và giải phóng mặt bằng, chi phí của dự án tăng cao do lạm phát… của dự án Hỗ trợ tài nguyên nước (157,8 triệu USD) mới giải ngân được 20%.
Với tốc độ rùa như vậy, nhiều khả năng các dự án này khó hoàn thành được mục tiêu giải ngân nếu không có những biện pháp quyết liệt. Một số hợp phần của các dự án này chắc chắn đã quá hạn và sẽ bị loại ra.
Có thể thấy rằng, năng lực của phía ban quản lý của Việt Nam cũng như các quy định về thực hiện dự án có vấn đề. Ông Nguyễn Ngọc Thuật, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cải thiện năng lực ban quản lý các dự án sẽ là một bước cơ cấu tốt. Tuy nhiên, tiến độ và thủ tục từ phái WB cũng cần phải được xem xét phù hợp hơn. "Có những dự án thời gian xem xét kết quả đấu thầu từ phía WB lên tới cả nửa năm cũng ảnh hưởng tới tiến độ chung", ông Thuận đề nghị.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng đã được các chuyên WB đưa ra trong buổi làm việc làø WB đã đồng ý đề nghị của phía Việt Nam về khả năng điều chuyển nguồn vốn của các dự án khó giải ngân sang các dự án khác hiệu quả hơn.
"Việc gia hạn cũng sẽ được cân nhắc trên nguyên tắc hiệu quả của dự án chứ không phải để cho dự án hoàn thành", bà Victoria nói.
Đặc biệt, ông Fred Nickeson, chuyên gia từ trụ sở chính WB tại Washington cho biết, WB sẽ tăng thêm nguồn vốn cho Việt Nam và mong muốn nhìn thấy các nỗ lực tiếp tục từ các bên để duy trì đánh giá của WB về địa điểm vay vốn hiệu quả trong thời gian qua. "Yêu cầu tái cơ cấu và triển khai các hành động cần được cả phía Việt Nam và WB tại Việt Nam thực hiện", ông Nickeson nói.