Tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển KTXH

Đây là nội dung trao đổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 25/11.
 
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (còn được gọi là cuộc cách mạng 4.0), là một thuật ngữ với nội hàm bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, internet của vạn vật và internet của các dịch vụ tương tác với nhau và với con người theo thời gian thật.
 
Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục.
 
Tuy nhiên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình CNH-HĐH, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập (tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; tỉ trọng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng trong GDP còn cách khá xa so với các nước trong ASEAN; năng suất lao động thấp...).
 
“Sức cạnh tranh của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn thấp. Trình độ khoa học-công nghệ của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo chưa cao. Nhìn chung, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
 
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, chính sách về công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp năng lượng… của Việt Nam chưa thật sự mang lại các kết quả như mục tiêu đã đề ra. Chính vì vậy, sự lúng túng trong triển khai thực hiện đã bộc lộ.
 
Yêu cầu bắt buộc: Phải tăng cường đổi mới sáng tạo
 
TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 tác động đến tất cả các ngành, như công nghiệp chế tạo, điện tử, tài chính, ngân hàng… Mặc dù vậy, DN Việt Nam vẫn chưa phát triển ứng dụng được nhiều công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh; chưa có mối liên kết chặt chẽ, chuyển giao công nghệ tích cực giữa các DN FDI và DN trong nước.
 
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới theo hướng các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên bị suy giảm quyền lực còn các nước dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo lại gia tăng sức mạnh.
 
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định giai đoạn 2016-2020  “phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
 
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp học tập có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình hành động; đề xuất định hướng, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Qua đó, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.  
 
Theo các chuyên gia, ngân hàng là một trong những ngành bị tác động mạnh bởi cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể là hệ thống ngân hàng sẽ chịu áp lực trong việc kiểm soát dòng tiền, sự rủi ro trong thanh toán và an toàn hoạt động toàn hệ thống khi xu hướng hoạt động tài chính phi ngân hàng hay ngân hàng “ngầm” ngày càng phát triển. 
 
Hiện nay, xu hướng thâm nhập giữa các công ty công nghệ (Fi-tech) vào lĩnh vực ngân hàng kéo theo sự phát triển và khả năng xâm chiếm của hoạt động ngân hàng “ngầm”, đặc biệt là ở các hoạt động thanh toán phi truyền thống (cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, thanh toán do công ty viễn thông cung cấp…). Đồng thời, cùng với sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao, vấn đề an ninh, bảo mật ngân hàng cũng gặp nhiều thách thức.
 
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank kiến nghị, các cơ quan quản lý chủ động xây dựng hành lang pháp lý và quy định tiêu chuẩn mang tính định hướng, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ; cần tạo điều kiện để các ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, tăng nguồn lực đầu tư cho công nghệ, thu hút nhân tài phù hợp với yêu cầu kinh doanh trong thời đại cách mạng công nghệ.
 
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TPHCM cho rằng giáo dục đại học với chất lượng cao sẽ là cơ sở vững chắc để đón bắt công nghệ mới. Còn theo ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT) để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, cần phải thúc đẩy chính sách xây dựng vườn ươm công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo.