Tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực Tây Nguyên
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về quặng bauxite (loại quặng để sản xuất nhôm) trong khu vực và trên thế giới với trữ lượng khoảng trên 5,4 tỷ tấn quặng bauxite nguyên khai, tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên và đặc biệt là ở tỉnh Đắk Nông.
Việc đầu tư xây dựng ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất hydroxyt nhôm, alumin và nhôm là rất cần thiết và là một mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước để sử dụng trong nước và xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên - một khu vực giàu tài nguyên, giàu truyền thống cách mạng, giàu bản sắc văn hoá nhưng đang còn nghèo.
Thủ tướng chỉ rõ, từ năm 2007, Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xem xét đến năm 2025 đã được phê duyệt. Theo đó, từ 2007-2015 sẽ đầu tư các dự án sản xuất alumin với công suất đạt khoảng 6,4 triệu tấn alumin/năm và sẽ nâng dần công suất trong các năm tiếp theo; Giai đoạn ban đầu alumin sẽ được xuất khẩu. Giai đoạn 2012-2015 sẽ đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm đầu tiên công suất đạt khoảng 200.000 đến 400.000 tấn nhôm thỏi/năm thì một phần
alumin sẽ cung cấp cho điện phân nhôm còn lại được xuất khẩu… Trên tinh thần này, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn TKV đã nghiêm túc triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực từ thuần nông lâm nghiệp sang kinh tế đa ngành nghề, trong đó công nghiệp - dịch vụ là thành phần kinh tế cơ bản, kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng, phát triển đô thị, thương mại, khách sạn và du lịch, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống... góp phần tái tạo đất, giúp cho chất lượng đất những khu vực có quặng đang bị cằn cỗi sau khi khai thác, hoàn thổ sẽ có điều kiện tăng độ màu của đất.
Dự án sẽ tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 1 vạn lao động, có điều kiện nâng cao đời sống của nhân dân vùng dự án; góp phần giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Tây Nguyên; tạo nền tảng để phát triển ngành công nghiệp nhôm và các ngành công nghiệp phụ trợ; góp phần làm tăng GDP của địa phương; đem lại nguồn thu kim ngạch ngoại tệ lớn cho đất nước.
Thủ tướng yêu cầu, chủ đầu tư và lực lượng thi công trên công trường đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công xây dựng nhà máy, đồng thời đảm bảo vững chắc, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường sinh thái, nhất là chất lượng nguồn nước, trong đó Tập đoàn TKV và tỉnh Đắk Nông khẩn trương tuyển chọn con em đồng bào các dân tộc của tỉnh để đưa đi đào tạo vào làm việc trong dự án, chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các dân tộc.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động, giám sát thường xuyên về khí, bụi, chất thải, mặt nước, nước ngầm... nhằm đánh giá chính xác và có giải pháp xử lý đối với các tác nhân gây ô nhiễm trong quá trình hoạt động, đồng thời tỉnh Đắk Nông rà soát lại qui hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với yêu cầu khi nhà máy đi vào hoạt động.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổng thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ là Tập đoàn công trình quốc tế Nhôm Trung Quốc (CHALIECO) thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và qui định của địa phương sở tại, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình và đáp ứng tốt các yêu cầu về bảo đảm an toàn, môi trường sinh thái trong từng hạng mục công trình.