Thái Bình cam kết giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp
Tại Hội nghị đã có trên 50 đề xuất, kiến nghị của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp về các nhóm vấn đề như vay vốn, lãi suất ngân hàng, thuế, cơ chế chính sách, tài nguyên môi trường, giao thông - vận tải, công thương, thông tin - truyền thông, cải cách thủ tục hành chính... Cụ thể, Công ty TNHH Sứ Hảo Cảnh cùng một số doanh nghiệp đề nghị được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nâng mức vay vốn, kéo dài thời gian hoàn vốn và cho vay tín chấp.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen cùng một số doanh nghiệp kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có đóng góp nguồn thu ngân sách lớn để tái đầu tư mở rộng và cơ chế chính sách bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI. Công ty cổ phần Bitexco Nam Long kiến nghị được mua toàn bộ số vốn còn lại của nhà nước của Công ty TNHH MTV cấp nước Thái Bình để đầu tư nâng cấp nhà máy nước. Công ty Hưng Cúc kiến nghị tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp mua máy sấy thóc để bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho bà con nông dân.
Trong khi đó, Nhà máy Gạch MiKado kiến nghị thủ tục đầu tư còn mất nhiều thời gian, từ khi có chủ trương đến khi thực hiện khoảng 1-2 năm, một số quy định còn mang hình thức như bóc tách đất phân hóa… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các vấn đề đều được trả lời đều rõ ràng trên cơ sở các văn bản quy định của nhà nước, của địa phương và từ thực tiễn phát sinh của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Không dừng ở đó, với tinh thần “nói thẳng, nói thật, không né tránh”, tại Hội nghị đã có thêm 18 ý kiến của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cũng như góp ý với tỉnh những vấn đề cấn quan tâm, đổi mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Công ty cổ phần Dệt sợi DamSan kiến nghị rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư và thủ tục hồ sơ dự án. Công ty Toan Vân đề nghị tỉnh hỗ trợ tư vấn cho đơn vị để đầu tư một nhà máy chế biến nông sản. Tập đoàn Đại Cường góp ý với tỉnh về các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn nữa, đưa nhanh công nghệ thông tin vào quản lý, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tới tìm hiểu để đầu tư vào tỉnh và các vấn đề trong KCN phải do Ban quản lý các KCN giải quyết …
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nhưng GRDP của tỉnh tăng bình quân 7,66% (cao nhất trong 3 năm trở lại đây). Điều này cho thấy sự đóng góp không nhỏ của khối doanh nghiệp”.
Về các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp tại hội nghị, ông Diên yêu cầu các cơ quan hữu quan theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp giải quyết đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng luật và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tiếp tục chủ động nghiên cứu những khó khăn của các doanh nghiệp, nắm chắc chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương và thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Ông Diên yêu cầu: “Sau hội nghị, Sở Công thương chủ trì, tiếp tục tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực cụ thể báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết đầy đủ, kịp thời theo quy định về thời gian của từng lĩnh vực, ai, khâu nào chậm trễ, ách tắc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Sở Công thương cũng tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới nhất là xuất khẩu, tiếp cận với chính sách của Nhà nước và của địa phương; tiếp tục là đầu mối tư vấn cho chính các doanh nghiệp liên kết với nhau tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức hội, đoàn thể cần đổi mới hoạt động tinh gọn, hiệu quả là cầu nối giữa doanh nghiệp với tỉnh, quảng bá thương hiệu, tôn vinh doanh nhân tiêu biểu.
Đối với các doanh nghiệp, ông Diên cũng yêu cầu cần chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thuế, tài nguyên môi trường, phòng chống cháy nổ, chế độ, chính sách với người lao động.... Đặc biệt, không tiếp tay bao che, làm hư cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết công việc; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp; chú trọng tiếp cận chủ trương chính sách mới qua nhiều kênh, đặt lợi ích xã hội lên trên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên thông báo thêm, từ ngày 1/9, Thái Bình sẽ đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công. Người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ đến nộp hồ sơ và nhận kết quả ở một nơi, đồng thời, các kết quả sẽ được công khai, giám sát thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử. Người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể truy cập để biết được việc của mình được giải quyết như thế nào. Tỉnh Thái Bình cam kết, tất cả các ý kiến của các doanh nghiệp đều được tiếp nhận và tập hợp giải quyết triệt để nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quý Hưng