Tháng Năm, kinh tế Việt Nam hồi phục?

Bà Phạm Chi Lan, cựu thành viên Ban Cố vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ nói đưa ra dự báo kinh tế hồi phục là chuyện ai cũng làm được, nhưng hậu thuẫn nó với bằng chứng xác đáng là công việc khó khăn hơn nhiều. "Dấu hiệu hồi phục trong nền kinh tế chưa liên tục và ổn định," cựu lãnh đạo của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hãng tin Đức DPA hay. Trong cuộc họp nội các tuần vừa rồi, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói kinh tế Việt Nam đang hồi phục. Số liệu chính phủ công bố cho thấy sản lượng công nghiệp ba tháng đầu năm tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 12 và tháng Giêng trước đó sản xuất giảm 8,6%.

Có 305.000 du khách ngoại quốc tới Việt Nam trong tháng Tư, tăng 0,6% so với tháng Ba. Nguồn thu qua thuế tăng 11,3% trong tháng Tư, đạt 1,8 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu tăng 65%, hay 2,2 triệu tấn, cho năm tài chính tính đến cuối tháng Tư.

"Xuất khẩu trong kinh tế Việt Nam chiếm đến 72% GDP, nhập khẩu và dịch vụ chiếm trên 100% GDP, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới."

Chuyên viên kinh tế Lê Đăng Doanh

Tuy vậy bà Phạm Chi Lan cho rằng do môi trường kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm, và tăng trưởng âm ở các nền kinh tế lớn đã tác động đến xuất khẩu, và đầu tư FDI vào Việt Nam. Hai chỉ số này chưa hồi phục bằng mức trước thời khủng hoảng.

Thận trọng

Ông Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia hàng đầu khác cho rằng khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng chuyện đưa ra thông điệp và cách điều hành kinh tế cần thận trọng.

Bên cạnh các chỉ số gia tăng như xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, mang tính ‘đáng mừng’, ông Doanh lưu ý trong quý đầu năm nay khoảng một nửa mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng không đáng kể. Ông kêu gọi cần thận trọng khi đưa ra các thông điệp nói về kinh tế hồi phục. Tại nhiều nước, người ta hay dựa vào mức tăng GDP, tăng tín dụng, mức độ tạo công ăn việc làm, số người thất nghiệp giảm, để nói đến sức khỏe của nền kinh tế.

"Tất cả những tiêu chí đó đều phải được đưa ra thảo luận, nếu không thì rất dễ xảy ra tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt", tức là người thì cho là đã hồi phục, người thì bảo chưa, như vậy sẽ làm rối loạn thêm cho nền kinh tế cũng như là các doanh nghiệp," tiến sĩ kinh tế cao cấp nói trong bài trả lời phỏng vấn trên báo vneconomy.vn. Ông tỏ ý nghi ngờ khả năng hồi phục của kinh tế thế giới trong năm 2009. "Tình hình tiếp tục phức tạp và có thể là cuối năm nay thì kinh tế thế giới có cải thiện, mức tăng trưởng âm có thể giảm đi một tý, chứ không có nghĩa là tăng trưởng dương."

Ảnh hưởng liên đới

Sở dĩ phải ‘bốc bệnh’ kinh tế thế giới trước rồi sau đó mới đưa dự đoán kinh tế Việt Nam, theo ông Doanh là vì:

"Xuất khẩu trong kinh tế Việt Nam chiếm đến 72% GDP, còn nhập khẩu và dịch vụ thì chiếm trên 100% GDP, rõ ràng Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới," "Trong khi các nền kinh tế lớn vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục." Ông nhắc nhở chớ có lạc quan ‘tếu’ khi đưa ra các thông điệp dễ dãi kiểu tháng này sẽ tăng trưởng trở lại, tháng kia sẽ hồi phục...Theo ông Doanh, dự báo đúng và chính xác vô cùng cần thiết, vì phải nhận thức đúng mới có hành động đúng, chính sách hay. "Nếu chúng ta tạo ra suy nghĩ lạc quan tếu, cho rằng mọi việc đã "phơi phới" rồi, trong khi tình hình chưa chuyển biến nhiều thì sẽ rất nguy hại."

Ông Doanh hy vọng trồi sụt kinh tế của Việt Nam sẽ theo hình chữ "V", tức suy trầm diễn ra trong thời gian ngắn, và sau đó tăng trưởng trở lại. Để đạt được kịch bản này, Việt Nam cần "thực thi cải cách mạnh mẽ, và đổi mới cấu trúc nền kinh tế."

Nếu không, tiến sĩ Lê Đăng Doanh kết luận, Việt Nam dễ rơi vào kịch bản tăng trưởng hình chữ "W", lên xuống thất thường, đường tăng bị đứt gãy, "do cách điều hành, quản lý và triển khai thực hiện của chính phủ vẫn chưa ổn định và còn nhiều điều phải bàn."