Thanh khoản vẫn rất đáng lo

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), bước chân vào phòng gặp gỡ báo chí đầu năm tại hội sở chính ở TP.HCM với phong thái khá thoải mái. Nhân dịp này, NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Hưng về ngành ngân hàng bán lẻ và hoạt động của VPBank.

Theo ông, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ có cao không?

Chúng tôi là ngân hàng bán lẻ nên chắc chắn sẽ nói cơ hội rất cao. Có thể nói tỉ lệ rủi ro đối với ngân hàng bán lẻ thường thấp hơn ngân hàng bán buôn. Thuận lợi nhất của bán lẻ là tính bền vững. Bán lẻ khác bán buôn ở chỗ, bán lẻ có thể chỉ vài tỉ đồng nhưng bán buôn lên tới cả vài trăm, vài ngàn tỉ đồng nên biến động tiền mặt cũng khác nhau. Ví dụ, nếu khách hàng lớn rút cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng đó chới với ngay, nhưng với khách lẻ thì lượng rút ra thấp. Nói chính xác hơn là những biến động về tài chính không có hoặc được phân tán nhỏ lẻ ra, không phải lo ngại.

Vậy thách thức lớn nhất của ngân hàng bán lẻ là gì?

Vì bán lẻ nên cần đội ngũ nhân sự lớn, chi nhánh nhiều. Khoản chi phí này không nhỏ. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam khi tìm đến ngân hàng chỉ có 2 hoạt động chính là vay và gửi tiết kiệm. Họ chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng mới, đây cũng là khó khăn. Không riêng gì ngân hàng bán lẻ mà ngành ngân hàng nói chung năm nào cũng đối diện một vài thách thức. Năm nay vấn đề thanh khoản rất đáng lo lắng. Tuy vậy, không phải là không có cơ hội. Chỉ những ngân hàng đầu tư cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán hay thương mại thuần túy sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc sàng lọc lựa chọn đối tượng cho vay sẽ chặt chẽ hơn.

Ngân hàng bán lẻ phải mở rộng chi nhánh, trong khi chi phí thuê mặt bằng cao. Ngân hàng giải bài toán này như thế nào?

Chúng tôi phải khảo sát xem địa điểm đó nếu mở điểm giao dịch có hiệu quả hay không. Điểm mới mở ra, 6 tháng sau phải có lãi. Một trong những chiến lược chúng tôi muốn đẩy mạnh là kênh phân phối trực tiếp. Do là ngân hàng bán lẻ nên chúng tôi đẩy mạnh mở rộng chi nhánh, chi phí ban đầu đòi hỏi rất lớn. Tuy nhiên, việc để cho khách hàng tiềm năng tiếp cận được kênh phân phối là rất cần thiết nên chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư. Năm qua, VPBank đã tăng số điểm giao dịch lên 200 điểm trên 35 tỉnh thành trên cả nước. Năm nay, con số đó sẽ tăng gấp rưỡi.

Tỉ lệ thành công của điểm giao dịch mới sau 6 tháng hoạt động là bao nhiêu?

Khoảng 80-90%. Tôi cho đó là tỉ lệ thành công, chính vì vậy mới có việc tăng gấp rưỡi số điểm giao dịch trong năm nay.

Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng bán lẻ tại nông thôn?

Chúng tôi là ngân hàng đô thị, không phải ngân hàng phục vụ nông thôn. Chúng tôi cũng có khoảng 10-15% khách hàng từ nông thôn, nhưng chiến lược của chúng tôi là không phát triển về nông thôn. Thị trường nông thôn, có thể là tiềm năng cho tương lai, nhưng hiện tại thì chưa. Thông thường các ngân hàng đi đến vùng sâu, xa thường nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Hơn nữa, chi phí để nuôi một bộ máy ngân hàng hoạt động tại một địa bàn nông thôn là không nhỏ. Chúng tôi làm kinh doanh nên chỉ chọn phương án có lợi.

VPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2012?

Chúng tôi không có kế hoạch tăng vốn bằng phát hành trái phiếu ra công chúng mà có chăng chỉ là chia cổ tức và giữ lợi nhuận lại để tái đấu tư. Con số đó khoản trên dưới 200 tỉ đồng. Năm 2011, lợi nhuận của chúng tôi trên 1.000 tỉ đồng, kế hoạch năm nay trên dưới 1.500 tỉ đồng. Với cơ cấu nguồn vốn, tài sản như hiện nay, việc đạt kế hoạch đó không khó. Cái khó là triển khai các dịch vụ tại 100 điểm giao dịch mới thế nào cho hiệu quả. Bài toán đào tạo nhân sự, tìm người tài vẫn phải tiếp tục. Việc đẩy mạnh đào tạo, mạnh dạn tuyển dụng những nhân sự cao cấp trong ngành tài chính ngân hàng tôi coi là thành công về vấn đề con người trong chiến lược quản trị của mình.

Ông dự báo thế nào về tình hình ngân hàng trong năm nay?

Năm nay, chính sách về ngân hàng tiến tới chuyên nghiệp hơn, đó là tín hiệu khả quan. Ngân hàng Nhà nước trong năm nay có định hướng áp dụng quản lý theo thông lệ quốc tế nhiều hơn, chẳng hạn áp dụng Basel 1. Chính vì vậy, các ngân hàng nói chung cũng phải thay đổi cách quản trị điều hành của mình. Ngân hàng nào thay đổi sớm hơn sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.

Ông vừa nhắc đến việc tuyển dụng nhân sự cao cấp trong ngành tài chính. Thông tin một nhân sự cao cấp của Ngân hàng ANZ về làm cho VPBank có thực không?

Có nhiều nhân sự cao cấp chứ không phải chỉ có một.

Cụ thể là cựu Tổng Giám đốc của ANZ?

À, không. Ban đầu định mời chị ấy về, nhưng chị không về.