Thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình liên tục tăng trên 10%/năm, tổng kim ngạch của 3 tỉnh vượt số 6 tỷ USD, số doanh nghiệp (DN) thường xuyên có hoạt động XNK trên địa bàn gần 1.000 DN. Do đó, việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh là do nhu cầu phát triển kinh tế của 3 tỉnh.
 
Căn cứ đề nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của một số bộ, ngành và UBND các tỉnh có liên quan, ngày 4/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh trực thuộc Tổng cục Hải quan để quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Cục Hải quan Hà Nam Ninh là Cục Hải quan thứ 35 trong hệ thống tổ chức bộ máy ngành hải quan.
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các cán bộ công chức của Cục cần xác định sứ mạng quan trọng nhất là phục vụ DN, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn 3 tỉnh, tuân thủ các yêu cầu pháp luật về hải quan, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia trên địa bàn.
 
Ngoài ra, Cục Hải quan Hà Nam Ninh phải thực hiện hải quan điện tử đối với 100% DN trên địa bàn, phải thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ nhằm giảm thời gian thông quan, chi phí hoạt động XNK cho các DN. Hải quan phải thật sự là đối tác của DN, không để thủ tục các cơ quan liên quan ảnh hưởng xấu đến DN.
 
“Phải làm sao phấn đấu được đến 31/12 thì tất cả lô hàng XNK trên địa bàn đạt mức thông quan giảm từ 12-13 ngày như hiện tại còn 8-9 ngày. Phấn đấu đến ngày 1/1/2018 phải thực hiện thông quan không quá 48 giờ”, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh
 
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Hải quan Hà Nam Ninh phải là cơ quan đi đầu cả nước thực hiện giảm tỉ lệ số hàng hóa phải kiểm tra, tiêu chuẩn chất lượng, thay vì 34% như hiện nay đạt 15% vào cuối năm nay, phải duy trì thực hiện hải quan điện tử, thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia thực chất. Đây là yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.
 
Đại diện các địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Cục Hải quan Hà Nam Ninh ra đời là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh sớm ổn định bộ máy, tổ chức Đảng, chính quyền, thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hiện đại hóa ngành hải quan của Bộ Tài chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin, tăng thuận lợi cho DN XNK trên địa bàn. Ngoài ra, Cục cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan như công an, biên phòng để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nhất là cơ quan thuế, ngoại thương, công thương… Bên cạnh đó, ngành hải quan cần thường xuyên hỗ trợ đối thoại với các DN, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của cộng đồng DN trên địa bàn.
 
Các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đều thuộc đồng bằng sông Hồng, gần kề với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc-Nam, có mạng lưới giao thông đầy đủ và liên kết chặt chẽ với các khu vực lân cận. Trước đây, công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn 3 tỉnh do Cục Hải quan Thanh Hoá đảm nhiệm. Tuy nhiên, Cục Hải quan này chỉ thực hiện 65% trong số 1.000 gần DN thực hiện xuất nhập khẩu, 35% còn lại phải làm thủ tục ngoài địa bàn.