Thị trấn hít thở... xi măng

 Một người dân tại khu phố Tám Thước, thị trấn Kiên Lương, cho hay có thời gian người dân ở đây coi bụi xi măng là... nguồn lợi. Vì khi các nhà máy xi măng xả bụi ra khu dân cư, họ quét và cho vào bao để gom góp đầy bao rồi đem đi bán. Thế nhưng, giờ đây, một cán bộ địa phương kể đồng nghiệp của ông tới cơ quan thú thật rằng họ không dám ngẩng mặt nhìn ai vì sợ bị coi là ở dơ. “Xách xe chạy một đoạn thì bụi đã bám đầy, có rửa mặt cũng như không”, vị cán bộ này nói.

Cây cũng không sống nổi !

Nhiều người dân sống tại thị trấn Kiên Lương chua chát gọi nơi mình sống là “thị trấn khó thở”. Ở đây đi đâu cũng thấy xi măng. Xi măng bám cây xanh, phủ mái nhà, xi măng “trộn” vào cơm...

Không những vậy, gần đây, người dân lại gửi đơn cầu cứu khắp nơi, bởi theo họ, nạn ô nhiễm đã quá sức chịu đựng. Nhất là khi họ phát hiện tại khu phố mình sống có quá nhiều người mắc bệnh đường hô hấp và hàng loạt người bị cho là chết vì ung thư. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Tám Thước, cho biết đã chứng kiến cảnh nhiều người dân trong khu phố chết vì ung thư. Vừa qua, ông Tuyến đã huy động cán bộ các tổ, đoàn thể trong khu phố tiến hành rà soát, kết quả khiến nhiều người phải giật mình: Khu phố Tám Thước chạy dài 1,5 km ven QL80, khoảng 2.800 dân đã có gần 40 trường hợp chết do ung thư, trong đó chiếm phần lớn là ung thư phổi và ung thư họng. “Đó là con số chưa đầy đủ, thực tế có thể còn nhiều hơn”, ông Tuyến nói.

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Tuyến lo lắng: “Cây cối ở đây có nơi không thể sống được vì xi măng bám đầy lá. Rau diếp cá bán ở chợ, khi dỡ lên thì thấy một lớp xi măng dày”. Vợ ông Tuyến kinh doanh giày dép tại nhà lắc đầu: “Giày dép trưng bày trong nhà, nếu một ngày không lau chùi là biến thành đồ cũ vì quay đi quay lại là phủ đầy bụi xi măng”.

Để chứng minh bụi xi măng nhiều thế nào, anh Trần Quốc Vũ, sống ngang khu vực Nhà máy xi măng Kiên Lương, đưa PV về để... quét nhà. Trong khu vực chưa tới 10 m2, anh Vũ quét và đem cân được gần 0,5 kg bụi xi măng. “Mới chỉ qua một đêm mà bụi cỡ đó. Hỏi bao nhiêu năm nay người dân ở đây phải hít thở bao nhiêu xi măng vào cơ thể?”, anh Vũ bức xúc.

Ông Đặng Minh Thành, Phó chủ tịch UBND H.Kiên Lương, cho biết: “Lãnh đạo huyện cũng đã nắm tình hình nhiều người dân sống gần khu vực nhà máy xi măng bị mắc bệnh hiểm nghèo và đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện tiến hành rà soát để có những biện pháp kịp thời giúp đỡ người dân”.

“Chưa đến mức xử phạt” ?

Người dân cho rằng, sở dĩ có tình trạng bụi xi măng “bủa vây” là do có những nhà máy xi măng đã xả thẳng khói bụi ra môi trường chưa qua xử lý. Thậm chí, tại Nhà máy xi măng Kiên Lương, lúc PV đến (sáng 28.8) đã chứng kiến nhà máy này vận chuyển clinker chưa đóng bao xuống sà lan mà không hề che chắn, cứ thế chuyển từ nhà máy xuống bến sông. Lúc gặp gió, bụi clinker bay mù trời.

Ông Đoàn Hữu Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang), cho biết đơn vị có nhận được đơn thư phản ánh của người dân. Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở vào cuộc. Cũng theo ông Thắng, trước đây, Thanh tra Bộ TN-MT có thanh tra, xử phạt Nhà máy xi măng Kiên Lương 258 triệu đồng. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Vấn đề gây ô nhiễm của nhà máy xi măng người dân phản ánh là có. Trước đây, Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 (nay là Nhà máy xi măng Kiên Lương - PV) gây ô nhiễm khủng khiếp. Gần đây, nhà máy này đã khắc phục rất nhiều. Nhưng ở bến xuất clinker thì còn gây ô nhiễm. Hiện nhà máy cũng đã có dự án khắc phục, tuy nhiên phải đầu tư với số tiền lớn nên chưa thể làm sớm được”.

Về trách nhiệm của địa phương, ông Thắng nói tỉnh không thể quản lý vì... vướng luật. Theo ông Thắng, Nghị định 29 hướng dẫn thi hành luật Môi trường đã phân cấp quản lý rõ. Nhà máy xi măng có công suất dưới 500.000 tấn/năm do cấp huyện quản lý, còn nhà máy trên 1 triệu tấn/năm thì do T.Ư quản lý. Tại Kiên Giang có 5 nhà máy xi măng. Trong đó, Nhà máy Holcim và Nhà máy Kiên Lương công suất mỗi nhà máy trên 1 triệu tấn. Còn lại 3 nhà máy là Nhà máy xi măng Kiên Giang, Nhà máy xi măng Hà Tiên Kiên Giang, Nhà máy xi măng Hà Tiên thì công suất mỗi nhà máy từ 82.000 - 200.000 tấn/năm, do huyện quản lý. Như vậy, nhà máy lớn thì tỉnh không thể “đụng”, còn nhà máy nhỏ thì huyện quản lý nhưng  “nhân lực và thẩm quyền của huyện lại hạn chế” nên quản lý không xuể!

Trong khi đó, đại tá Phạm Trung Thành, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết lực lượng cảnh sát môi trường đã từng phối hợp với Sở TN-MT tỉnh làm việc với Nhà máy xi măng Kiên Lương về vấn đề ô nhiễm. Nhưng qua kiểm tra thì xác định ô nhiễm tại đây “chưa đến mức xử phạt mà chỉ dừng lại ở nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng quy định an toàn, bảo vệ môi trường” (!).

 

“Thật khủng khiếp”

PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó chủ tịch Hội Ung thư VN - Chủ tịch Hội Ung thư TP.Cần Thơ, đánh giá nếu một khu phố có 3.000 dân mà có đến 40 người bị ung thư thì “thật khủng khiếp”. Khi một nơi có nhà máy xi măng thì phải có những ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh hưởng đó đưa đến các chứng bệnh có thể gặp là bụi phổi, viêm nhiễm đường hô hấp trên, bệnh do nhiễm kim loại nặng trong đất, trong đá có sẵn trong thiên nhiên, và nhiễm kim loại nặng nằm trong clinker. Có 2 chất hiện nay đóng vai trò chủ đạo sinh ra ung thư phổi. Đó là asbestos (chất amiang), là tinh thể dạng sợi có từ nhiều loại đất đá trong thiên nhiên, có thể được khai thác trong kỹ nghệ làm xi măng và chất radon có trong hầu như các loại đất đá, tỏa ra dưới dạng khí, không mùi vị, không màu sắc. Chất này có vai trò sinh ra ung thư.