Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam: Địa chỉ đầu tư hấp dẫn

Căn cứ vào dự báo trên, rất nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đã tìm đến Việt Nam như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn bất chấp vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế đang lan rộng.

Năm 2008, IDG, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế danh tiếng của Mỹ đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào thị trường CNTT Việt Nam, giải ngân tới hết năm 2010. Như vậy cùng với nguồn vốn 100 triệu USD của Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam hoạt động từ năm 2004 đến nay, nguồn vốn của IDG tại Việt Nam sẽ lên đến con số 600 triệu USD. Ông Nguyễn Lâm - Tổng giám đốc IDG tại Việt Nam nhận định, thị trường CNTT - viễn thông tại Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nhịp độ phát triển lên tới 12,6% năm liên tục trong vòng 5 năm tới. Dịch vụ CNTT sẽ phát triển nhanh nhất với mức tăng trưởng đứng thứ 2 toàn châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Ấn Độ.

Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft ông Kevin Turner trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 8/2008 đã đánh giá: "Việt Nam là một trong những thị trường đầy tiềm năng trên thế giới về CNTT với dân số hơn 86 triệu người và có tốc độ phát triển cao". Là ngành công nghiệp mới mẻ, nhưng CNTT và truyền thông đã nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 6 - 7 tỷ USD vào năm 2010.

Sự phát triển của viễn thông và CNTT đã kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và các dịch vụ liên quan đến phần mềm ở nước ta. Ít ai ngờ rằng, thị trường phần mềm Việt Nam lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ các nhà đầu tư như hiện nay khi mà cách đây không lâu, vi phạm bản quyền phần mềm vẫn còn là vấn nạn đáng báo động. Giới trẻ thậm chí còn không có khái niệm sử dụng bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, với nỗ lực nâng cao ý thức của người dân thông qua việc giáo dục tuyên truyền và ban hành các văn bản pháp quy về bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ của Chính phủ, đến cuối năm 2008 tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã giảm còn 10%. "Điều này có thể giúp tạo ra từ 3000 - 5000 việc làm và từ 30 - 50 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ" - Chủ tịch Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Emilio Umeoka nói.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 1000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phần mềm với nhân lực khoảng 50.000 người, trong đó có 200 đơn vị doanh nghiệp tham gia gia công xuất khẩu phần mềm. Ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho biết: "Thị trường phần mềm Việt Nam chính là chiếc bánh béo bở mà ai cũng muốn có phần". Cuộc cạnh tranh tuy diễn ra gay gắt nhưng điều này không có nghĩa là thị trường phần mềm Việt Nam không còn chỗ cho những người đến sau. Vấn đề là các công ty cung cấp và làm dịch vụ phần mềm phải tìm ra cách tiếp cận phù hợp và khôn khéo. Ví dụ thông qua chính sách giảm giá, khuyến mại, cho tặng sử dụng có thời hạn... để người dùng biết đến, quen dùng và quyết định gắn bó lâu dài.

Sự thành công trong việc xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường CNTT Việt Nam của phần mềm diệt virus Karpessky đến từ Nga hay phần mềm văn phòng KingSoft đến từ Trung Quốc là minh chứng cho nhận định này. Mới đây nhất Tập đoàn Softline, nhà cung cấp phần mềm bản quyền lớn nhất tại Nga, các nước SNG, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela đã chính thức khai trương văn phòng tại Việt Nam. Softline tỏ ra rất tự tin khi xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2012 sẽ đứng đầu trong Top 5 công ty lớn tại các thị trường đang phát triển trong lĩnh vực phân phối phần mềm bản quyền, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý… "Chúng tôi xác định Việt Nam là điểm nhấn quan trọng của Softline ở khu vực châu Á" - ông Võ Văn Đường, Tổng giám đốc Softline Việt Nam chia sẻ.

Vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn đang lan rộng nhưng ngay cả điều ấy cũng không cản được bước tiến của các tập đoàn công nghệ thế giới tới Việt Nam. "Tiềm năng dồi dào của thị trường tiêu dùng và nhân lực công nghệ là lý do chúng tôi chọn Việt Nam" - ông Võ Văn Đường nói.