Thoát nước đô thị, trách nhiệm thuộc về ai?

Thoát nước đô thị, trách nhiệm thuộc về ai?

Thoát nước là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của công tác quản lý đô thị. Mọi hoạt động của một đô thị sẽ không thể diễn ra bình thường nếu công tác thoát nước làm không tốt. Ai cũng biết điều đó. Nhưng những năm gần đây càng ngày càng xuất hiện nhiều cảnh bức xúc, mà điển hình là cảnh ngập lụt diễn ra thường xuyên tại các đô thị lớn chỉ sau vài cơn mưa; rồi cảnh các hộ sử dụng nước sạch, thải nước bẩn không qua xử lý thẳng ra môi trường, thậm chí thải thẳng ra đường phố, mà không bị xử lý hoặc nếu có thì cũng chỉ là xử lý lấy lệ.

Trong khi đó, số tiền mà ngân sách Nhà nước đầu tư vào công tác thoát nước là không nhỏ. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong vòng 5 năm gần đây, Chính phủ đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD, tức là gần 18.000 tỷ đồng cho công tác thoát nước tại các đô thị lớn.

Phố Thái Hà sau trận mưa rạng sáng 20/7

Hàng trăm dự án lớn nhỏ về thoát nước, xử lý nước thải đô thị đã được phê duyệt và cấp kinh phí triển khai. Thế nhưng, việc thoát nước tại các đô thị nhất là các đô thị cũ, vẫn đang rơi vào cảnh bế tắc. Thoát được nước ở nơi này thì nơi khác lại tắc. Xử lý được hạ tầng thoát nước ở khu vực này, thì tại khu vực khác hệ thống cống rãnh lại đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay hệ thống hạ tầng thoát nước tại hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thoát nước… Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trong quá trình phát triển đô thị người ta đã không tuân thủ quy hoạch thoát nước, không tôn trọng hệ thống thoát nước khi xây dựng các công trình mới. Nhiều hệ thống thoát nước vừa đưa vào sử dụng đã tắc nghẽn, hư hỏng. Điều này cho thấy việc quản lý giám sát hoạt động thoát nước tại các đô thị quá lỏng lẻo, khiến cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng bỏ qua các quy định về đảm bảo thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Tại Nghị định 88 của Chính phủ ban hành ngày 24/5/2007 đã quy định: “Tùy theo đặc điểm, quy mô của khu vực nghiên cứu mà quy hoạch thoát nước cần có những nội dung chủ yếu sau: điều tra, khảo sát và đánh giá diễn biến môi trường trong nước, khả năng tiêu thoát nước mưa, nước thải của các sông hồ có liên quan; xác định các chỉ tiêu, thông số cơ bản cho thoát nước bao gồm điều kiện khí tượng, thủy văn, hệ số chấm, quy chuẩn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ…; xác định lưu lượng thoát nước mưa, nước thải và các nguồn, khả năng tiếp nhận nước mưa, nước thải; lựa chọn hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải; xác định chất lượng nước thải tại điểm cầu nối…”.

Thế nhưng, vì nhiều lý do, các quy định của Nghị định  này mới chỉ nằm trên giấy, còn trên thực tế, ít có tổ chức, cá nhân nào tuân thủ các quy định về thoát nước mỗi khi xây dựng một công trình mới. Nguyên nhân chính là chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm nghị định 88 còn quá nhẹ, và chưa đủ, khiến cho tổ chức và cá nhân vi phạm sẵn sàng nộp phạt hơn là phải bỏ kinh phí thực hiện các quy định về thoát nước. Chính vì thế, nhiều khu công nghiệp mọc lên tại vùng ngoại ô các đô thị lớn, nhưng hầu hết các khu công nghiệp này đều chưa được xây dựng khu vực xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống sông, hồ.

Phố như sông

Một nguyên nhân nữa là cơ chế tài chính cho việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác thoát nước còn bất hợp lý. Theo Nghị định 88, các hộ sử dụng nước sạch, thải nước bẩn phải nộp một khoản phí thoát nước bằng 10% kinh phí mua nước sạch. Khoản phí này được quy định chuyển về ngân sách Trung ương 50%, để lại địa phương 50% để nâng cấp hệ thống thoát nước. Khoản kinh phí này rõ ràng là không đủ để chi phí cho việc duy trì hoạt động thoát nước đô thị trong điều kiện đô thị ngày càng phát triển, dân số đô thị tăng nhanh cơ học và ý thức trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong vấn đề thoát nước ngày càng xuống cấp.

Chính vì những lý do này, nên công tác thoát nước tại các đô thị vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới cảnh sửa chỗ này, hư chỗ khác, hệ thống cống rãnh không thông suốt nên không lưu thoát được nước mỗi khi có mưa to.

Cũng giống như một hệ thống thoát nước, muốn thoát được nước thì phải đồng bộ, không thể chỗ này thông, chỗ kia tắc. Việc quy hoạch đô thị phải coi trọng hệ thống thoát nước. Các dự án thoát nước đô thị phải được xem xét, giám sát và nghiệm thi nghiêm túc. Hệ thống văn bản pháp luật cùng các chế tài xử lý và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động thoát nước cũng cần phải đồng bộ, đủ hiệu lực thì mới khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay của việc thoát nước tại các đô thị lớn.